Chung niềm vui đó, đây cũng là dịp để nhân dân hai nước Việt Nam - Lào cùng nhìn lại những chặng đường kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và hợp tác đầy hiệu quả giữa hai dân tộc.
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết, ngày 5/9/1962, hai nước Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng. Người đã cùng các đồng chí
Kaysone Phomvihane đồng chí
Xuphanuvong và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt Nam - Lào ngày càng đơm hoa kết trái.
Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô (Sơn La) là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào. Ảnh: TTXVN
|
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn năm 1975, để đưa quan hệ Việt Nam – Lào phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào ngày 18/7/1977, trong đó nhấn mạnh: Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, tình đoàn kết chiến đấu cho tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước, là một truyền thống quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc.
Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp. Các cơ chế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt ở cấp cao được củng cố, phát huy hiệu quả, thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu. Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước không ngừng được tăng cường và triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng. Hai bên đã hoàn thành Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên giới Việt Nam-Lào. Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam được triển khai tốt.
Sáng 30/11, Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 42 năm Quốc khánh Lào. Ảnh: TTXVN
|
Hợp tác kinh tế không ngừng phát triển, trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước. Tính đến tháng 8/2017, Việt Nam đang là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội… giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào 8 tháng năm 2017 đạt 580 triệu USD.
Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên ưu tiên nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, du lịch. Quan hệ hợp tác về y tế tiếp tục phát triển, nhất là giữa các tỉnh giáp biên. Hai bên đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước. Hợp tác giữa các địa phương được chú trọng với việc hình thành các khu kinh tế và giao lưu buôn bán qua các cửa khẩu quốc tế và quốc gia.
Sinh viên tình nguyện giúp các bạn lưu học sinh Lào học tiếng Việt và văn hóa Việt tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Việt Nam tiếp tục dành cho Lào nhiều suất học bổng hàng năm ở tất cả các cấp như Cao đẳng, Đại học, trên Đại học; thực hiện hiệu quả chỉ thị của hai Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục – đào tạo. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã tổ chức nhiều hoạt động để thu hút lưu học sinh Lào sang học tại các trường đại học của Việt Nam theo diện tự túc. Hợp tác văn hóa - du lịch tiếp tục phát triển, số du khách Lào đến Việt Nam đạt gần 114 nghìn lượt người, số du khách Việt Nam đi Lào khoảng hơn 950 nghìn lượt người.
Cùng với hợp tác trong khuôn khổ song phương, quan hệ Việt Nam-Lào còn được thể hiện rõ nét tại các diễn đàn đa phương. Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Những năm qua, hai nước đã ký nhiều Hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ như: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới; Hiệp định Lãnh sự 1985; Hiệp định về quy chế biên giới; Bản thỏa thuận Chiến lược Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào giai đoạn 2001-2010; Thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào về Quy chế sử dụng cảng Vũng Áng; Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định vận tải đường bộ; Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện đến năm 2030 và mua bán điện giữa hai nước...
Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, mối quan hệ đặc biệt này được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.