Tại kỳ họp, Thứ trưởng Ngoại giao Mark Sinclair chúc mừng thành công của Việt Nam trong việc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIII, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, thành tựu phục hồi kinh tế cũng như vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa qua.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng chúc mừng những thành tựu của New Zealand trong phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19; đánh giá cao New Zealand đã ủng hộ ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Hai bên đều đánh giá, quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng tin cậy cũng như vai trò quan trọng của Bộ Ngoại giao hai nước trong sự phát triển này. Hai bên cũng cho rằng, việc tổ chức Tham khảo Chính trị lần thứ 12 theo hình thức trực tuyến thể hiện sự linh hoạt, quyết tâm duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng và hai nước nói chung.
Hai bên đã trao đổi về những biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương, nhất trí xây dựng và ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong năm 2021, tăng cường gắn kết chính trị, ngoại giao thông qua việc thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh. Cùng với đó, duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có như: Cơ chế Ủy ban Hợp tác kinh tế - Thương mại; Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; tăng cường hợp tác ODA; hợp tác an ninh - quốc phòng; hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; hợp tác giáo dục đào tạo trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục giai đoạn 2020-2023; đẩy mạnh giao lưu nhân dân; trao đổi các hoạt động giao lưu, hoạt động văn hóa nghệ thuật; đẩy mạnh hợp tác du lịch sinh thái, du lịch xanh khi điều kiện cho phép.
Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC…; triển khai các cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); gắn kết phát triển tiểu vùng Mekong với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, những diễn biến phức tạp tại Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán giữa ASEAN - Trung Quốc để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.