Đại sứ Vũ Văn Dũng nhận định tiềm năng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng với Việt Nam là rất lớn. Châu Phi hiện nay và tương lai luôn là châu lục giàu tài nguyên, đông dân số (hiện 1,1 tỷ người và sẽ lên 2,5 tỷ người vào năm 2050), trong đó thanh niên chiếm trên 50% và là thị trường tiềm năng.
Châu Phi đang trở thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ với tốc độ đô thị hóa cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay (3,6% năm 2017 và dự kiến 4,1% năm 2018 và 2019), đến năm 2025, cứ 5 nước châu Phi thì 3 nước sẽ trở thành nước thu nhập trung bình.
Tới 2050, theo đánh giá khả quan nhất, GDP của châu lục sẽ tương đương với GDP của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Các ngành công nghiệp dịch vụ phát triển đặc biệt là thông tin liên lạc, bán lẻ, giao thông vận tải và du lịch; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu lửa chưa khai thác; nông nghiệp cải thiện. Đây đang là điểm đến của chuyển giao phát triển sản xuất và công nghệ, đang trở thành một cực mới trong phát triển kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, liên kết kinh tế toàn châu lục cũng đang gia tăng, tạo thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa và nhân lực để phát triển kinh tế. Ngày 21/3 vừa qua, tại thủ đô Kigali của Rwanda, 44/55 thành viên tổ chức Liên minh châu Phi (AU) đã ký Thoả thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).
Với AfCFTA, kể từ sau khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số lượng các nước tham gia cũng như dân số với 1,2 tỷ người và tổng GDP hơn 2.000 USD.
Thỏa thuận cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hoá, trong đó 10% "mặt hàng nhạy cảm" sẽ được loại trừ dần sau này. Thỏa thuận cũng sẽ tự do hóa thương mại dịch vụ, trong tương lai sẽ bao gồm cả tự do đi lại của thể nhân và hình thành một đơn vị tiền tệ chung.
Theo Đại sứ Vũ Văn Dũng, Nam Phi là nền kinh tế phát triển nhất ở châu Phi với cơ sở hạ tầng hiện đại và là đầu tàu phát triển của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Nền kinh tế Nam Phi trước đây chủ yếu dựa vào công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và điều kiện canh tác thuận lợi.
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế Nam Phi đang dần thay đổi, bắt đầu tập trung vào các lĩnh vực bậc cao bao gồm thương mại, bán buôn, bán lẻ, du lịch và truyền thông. Hiện tại, Nam Phi tiến tới trở thành một nền kinh tế tri thức, tập trung nhiều vào công nghệ, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác.
Các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế Nam Phi hiện đại là tài chính, bất động sản và kinh doanh, đóng góp khoảng 22% GDP của Nam Phi. Tiếp đó là khu vực dịch vụ công, đóng góp khoảng 17%. Bán buôn bán lẻ, thương mại, nhà hàng, dịch vụ nhà ở, đóng góp khoảng 15%. Các ngành công nghiệp sản xuất đóng góp 14% cho nền kinh tế Nam Phi.
Hiện Nam Phi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại song phương đạt xấp xỉ một tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tới thị trường Nam Phi bao gồm: điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu có kim ngạch lớn từ Nam Phi gồm chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, hàng rau quả, nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, sản phẩm hóa chất…
Với dân số gần 55 triệu người với mức thu nhập trải rộng từ thấp đến cao, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng phát triển, cùng vị trí địa lý là cửa ngõ thông thương đến nhiều quốc gia trong khu vực, Nam Phi là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Một số lĩnh vực tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Nam Phi có thể kể đến như: thủy sản, dệt may, nông sản, giày dép, máy móc thiết bị…
Đại sứ Vũ Văn Dũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam luôn đặt công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đại sứ quán thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương trong nước cũng như Phòng Công Thương các thành phố lớn như Johannesburg, Cape Town (Kếp Tao) tổ chức, hỗ trợ đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hội chợ ngành hàng khu vực như Hội chợ SAITEX hàng năm lớn nhất châu Phi.
Tổ chức nhiều diễn đàn kết nối doanh nghiệp, quảng bá cơ hội thương mại và đầu tư như Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN-châu Phi 2017, diễn đàn doanh nghiệp nhân dịp có các đoàn địa phương sang thăm làm việc Nam Phi như đoàn tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…
Ngoài ra, Đại sứ quán đang tiếp tục đóng vai trò cầu nối, tích cực hỗ trợ các cơ quan liên quan Việt Nam và Nam Phi trao đổi, hoàn thiện và ký kết các văn bản hợp tác nhằm tăng cường hành lang pháp lý cho quan hệ song phương trên các lĩnh vực cụ thể như Hiệp định Hợp tác về khoa học-công nghệ và sáng tạo, Bản ghi nhớ về hợp tác lâm nghiệp, Bản ghi nhớ về Hợp tác khoáng sản, Hiệp định Hợp tác về giáo dục và đào tạo, Hiệp định Hợp tác phòng chống tội phạm, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Tương trợ tư pháp, Hiệp định miễn đánh thuế hai lần...
Đại sứ Vũ Văn Dũng cho biết quan hệ Việt Nam - Nam Phi được đặt nền móng từ cuộc gặp giữa đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn đại biểu Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) tham dự Hội nghị đoàn kết Á-Phi tại Bangdung, Indonesia năm 1955.
Năm 1978, Chủ tịch ANC là ông Oliver Tambo, một chiến sỹ và nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Nam Phi khỏi chế độ Apartheid, đã dẫn đầu đoàn đại biểu tới thăm Việt Nam và học tập kinh nghiệm đấu tranh giành độc lập dân tộc thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Khi về nước, ông đã viết báo cáo lên Ban chấp hành Trung ương ANC, nêu rõ đường lối kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, dựa vào sức mạnh phong trào quần chúng, được coi là cẩm nang góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Nam Phi giành tự do khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid năm 1994.
Tháng 12/1993, ngay trước khi nhà nước Nam Phi mới ra đời, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước này, đưa quan hệ hai nước vào thời kỳ mới. 10 năm sau, năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tới thăm chính thức Nam Phi.
Hai bên đã thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về thương mại, Diễn đàn đối tác liên Chính phủ về Kinh tế, Thương mại, Khoa học - Kỹ thuật và Văn hoá, ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác vì sự hợp tác và phát triển. Nam Phi trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam.
Năm 2007, Tổng thống Thabo Mbeki thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ký Hiệp định Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nam Phi (thông qua Bộ Ngoại giao hai nước); Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.
Hiện nay, khuôn khổ quan hệ hai bên đã định hình và phát triển vững chắc với việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; Diễn đàn Đối tác cấp thứ trưởng do hai Bộ Ngoại giao chủ trì họp thường niên để rà soát và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực hợp tác như chính trị, kinh tế thương mại, ngoại giao, quốc phòng an ninh, giáo dục dào tạo, khoa học kỹ thuật và sáng tạo, nông lâm nghiệp, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…
Hai bên cũng thường xuyên tổ chức Đối thoại chính sách Quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Để mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và bền chặt hơn, hai bên đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với việc trên 10 Bản ghi nhớ, Hiệp định đang được đàm phán, hoàn thiện thủ tục nội bộ để đi tới ký kết trong thời gian tới trong các lĩnh vực hợp tác nêu trên.
Hai bên cũng tích cực ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, ủng hộ lẫn nhau trở thảnh Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, phối hợp tại các diễn đàn như Phong trào Không liên kết, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm vì hòa bình thế giới và khu vực.
Kinh tế hai bên đạt tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch hai chiều đã nâng từ hai con số hàng triệu lên 4 con số trong 20 năm qua, từ 21,5 triệu USD năm 1997 lên 188,8 triệu USD năm 2007 và 1 tỷ USD vào năm 2017.