Phát biểu tại buổi lễ, Phó Đô đốc Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 cho biết: Phòng Tuyên huấn, Báo Quân Giải phóng Miền, Cơ sở sản xuất quân trang đã hoàn thành xuất sắc vai trò là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng, chính trị, góp phần xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng, tạo nên sức mạnh to lớn, quyết định trong chiến công chung của quân và dân ta. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ 3 đơn vị tiếp tục lập nhiều chiến công và thành tích mới, luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Phó Đô đốc Trần Hoài Trung, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân mà các đơn vị được trao tặng chính là sự trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân về những thành tích đặc biệt của các đơn vị, trong đó có sự đóng góp bằng xương máu, nước mắt, công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 và các đơn vị trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ban Tuyên huấn, Cục Chính trị Miền được thành lập ngày 23/10/1961 tại Chiến khu Đ, đến cuối năm 1963 phát triển thành Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Miền. Trong chiến tranh ác liệt, Phòng Tuyên huấn đã tham mưu tổ chức thành công 3 Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn Miền, kịp thời khen thưởng, biểu dương thành tích của cán bộ chiến sĩ trong chiến đấu; phát động và triển khai nhiều phong trào, danh hiệu thi đua đạt hiệu quả cực kỳ to lớn, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, góp phần đánh thắng các chiến lược của địch. Cán bộ chiến sĩ Phòng Tuyên huấn trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ căn cứ, 53 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trên các chiến trường.
Báo Quân Giải phóng Miền ra số đầu tiên ngày 1/11/1963, trong suốt hơn 12 năm hoạt động (1963-1975), vượt lên những ác liệt, gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm, gan dạ, Báo Quân Giải phóng Miền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Trong điều kiện gian khổ, ác liệt, Báo Quân Giải phóng Miền vẫn duy trì việc ra báo đều đặn và thường xuyên đến độc giả, làm tốt việc biểu dương những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bên cạnh đó, báo đã có nhiều bài viết ghi lại toàn diện về cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam với ba mũi giáp công quân sự, chính trị kết hợp với binh vận tuyệt vời để làm nên chiến thắng.
Còn Cơ sở sản xuất quân trang, Cục Hậu cần Miền ra đời năm 1961 tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trong chiến tranh ác liệt, Cơ sở sản xuất quân trang đã linh hoạt, sáng tạo, xây dựng và phát triển lên tới hàng ngàn máy may và hàng ngàn người thợ, đảm bảo quân trang cho bộ đội, đồng thời tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ trang thiết bị, máy móc và phối hợp tham gia chiến đấu khi địch tấn công phá hoạt căn cứ hậu cần.