Các đại biểu tham gia cho ý kiến gồm đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội), Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau). Qua trao đổi, các đại biểu đánh giá, sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội. Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng phát biểu tại hội trường sáng 2/11. Ảnh: Phương Hoa /TTXVN |
Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ: Trong những tháng qua, Chính phủ đã xem xét, rà soát khá toàn diện các vấn đề liên quan đến kinh tế-xã hội của nước ta. Đặc biệt những hạn chế, yếu kém mà Thủ tướng đã báo cáo trước Quốc hội là một sự đánh giá hết sức khách quan, trung thực và thẳn thắn.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra các nghị quyết để điều hành. Đặc biệt Thủ tướng rất quyết liệt, lăn lộn trong các phong trào như: Khởi nghiệp; chỉ đạo khắc phục tình trạng hạn hán ở miền Trung và xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; rà soát lại các vấn đề về xây dựng nông thôn mới..."Một loạt những chính sách điều hành vi mỗ của Chính phủ đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân; thể hiện một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ"- đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Nhưỡng đánh giá cao và hy vọng, những giải pháp đó sẽ thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo một cách chi tiết việc kiểm tra, kiểm soát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phải hết sức thận trọng trong vấn đề này.
Việc cổ phần hóa phải đảm bảo giữ được tài sản và không bị thất thoát, tẩu tán; đặc biệt là tránh tình trạng lợi ích nhóm để xâm hại đến tài sản nhà nước. Từ đó sẽ có khoản tiền từ việc cổ phần hóa hoặc thoái vốn để nhà nước đầu tư, phát triển cho giai đoạn sau…
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét lại việc đầu tư vào BOT. Bởi vấn đề này làm không cẩn thận sẽ dẫn đến thất thoát tiền của nhà nước và tiền đó là một khoản rất quan trọng cho việc đầu tư, phát triển. Do đó, đề nghị Chính phủ thắt chặt và rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa và BOT đang gây bức xúc cho nhân dân.
Cơ bản nhất trí với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng: báo cáo của Chính phủ đánh giá toàn diện, đầy đủ, nghiêm túc về những kết quả đạt được và chưa đạt. Cũng theo đại biểu, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng qua rất được người dân đồng tình, ủng hộ.
Sự sát dân, gần dân của Thủ tướng Chính phủ nói riêng và bộ máy Chính phủ mới nói chung thể hiện trong rất nhiều hoạt động liên quan đến quyền lợi của người dân. Điều này bước đầu cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giữ lời hứa của mình.
Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tuy nhiên đại biểu Hà đề xuất: Chính phủ cần chú ý đến việc phá bỏ lực cản trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lực cản lớn nhất hiện nay là tình hình tội phạm, nhất tội phạm về tham nhũng.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành từ đầu năm đến nay, đại biểu Trương Minh Hoàng nhấn mạnh, Chính phủ đã rất quyết liệt và có những biện pháp kịp thời trong vấn đề sự cố môi trường biển miền Trung; các vụ việc an ninh trật tự diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, đại biểu lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Theo đại biểu, vấn đề này nếu làm tốt sẽ tạo được niềm tin và sự an tâm cho người dân; đồng thời sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nhân dân.