Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc,Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chiều 19/7, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra cuộc họp báo trong nước và quốc tế về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn chủ trì cuộc họp báo.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/7Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 8 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 29/7). Là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ nhất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ nên phần lớn thời gian của kỳ họp lần này dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa XIV sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu Quốc hội để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Bên cạnh công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề...
Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, phiên khai mạc và phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội và Hệ thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Quốc hội nhận trách nhiệm về những sai sót của Bộ luật Hình sựQuan tâm của phóng viên liên quan tới việc ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được Hội đồng Bầu cử quốc gia công nhận tư cách đại biểu ngay trước thềm kỳ họp thứ nhất sắp diễn ra, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá rằng đây là việc đáng tiếc.
Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có công báo kết luận công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó ông Trịnh Xuân Thanh không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không gương mẫu. Tại phiên họp thứ 7, 100% thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, là đại biểu nữ của Hà Nội. Bà Nguyệt Hường là đại biểu Quốc hội tái cử, đã từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ khóa XIV, ngoài ra còn tham ra rất nhiều hội và là doanh nhân thành đạt.
Do có sự vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội mà cụ thể là Luật Quốc tịch Việt Nam nên trong phiên họp thứ 8, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu đối với bà Nguyệt Hường. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, khi nghiên cứu để sửa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là do Ủy ban bầu cử Hậu Giang giới thiệu và Mặt trận Tổ quốc Hậu Giang qua 3 vòng hiệp thương giới thiệu lên, là vấn đề mà phải xem xét cụ thể hơn. Còn bà Nguyệt Hường không phải có đơn thư tố cáo, mà qua cơ quan chức năng phát hiện ra có thêm quốc tịch nữa, trái với quy định công dân nước CHXHCN Việt Nam chỉ có một quốc tịch.
Vấn đề sai sót dẫn tới Bộ luật Hình sự khi chưa có hiệu lực đã phải dừng lại, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá đây là việc rất đáng tiếc và khẳng định Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, không phải quy trình làm luật không đúng bởi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã ban hành 107 luật, bộ luật, trong đó có Hiến pháp được đánh giá rất cao, chỉ có Bộ luật Hình sự có sai sót nhiều, còn lại một số luật cũng có sai sót nhưng nhỏ, không đáng kể.
Bộ luật Hình sự thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũ, còn từ 1/7 sẽ thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới sẽ tốt hơn. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết tới đây, sẽ xem xét, đánh giá cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan một cách công minh, không né tránh.
Nhiều vấn đề phóng viên quan tâm như nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội; nhiều đại biểu Quốc hội mới có ảnh hưởng tới chất lượng làm luật của Quốc hội, các vấn đề trọng tâm của công tác lập pháp... đã được Tổng Thư ký Quốc hội trả lời thấu đáo tại phiên họp báo.
Gửi báo cáo tới đại biểu Quốc hội về sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung
Thông tin với báo chí về việc Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội vấn đề Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo để gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, trước đó, ngày 28/6, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí dự buổi họp báo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam với tổng số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD; cam kết khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam.
Công ty sẽ phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, đảm bảo phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự.
Tích cực chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn TPP
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đây là một vấn đề rất quan trọng nên khi nào Chính phủ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ thẩm tra và trình Quốc hội phê chuẩn.
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong thời gian qua, Chính phủ rất tích cực trong việc chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn TPP. Chính phủ đã tổ chức những cuộc hội thảo để đánh giá việc gia nhập TPP ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, trong đó Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức một phiên họp để Chính phủ giải trình về TPP, về các nội dung liên quan đến thể chế, chính sách.