Thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc đưa nội dung này vào thảo luận đã thể hiện Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về tổ chức hoạt động, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; khẳng định vai trò của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn đồng hành cùng nhân dân.
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,5 %. Điều này thể hiện sự cầu thị, tiếp thu của các bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Qua thảo luận, một số đại biểu chỉ rõ, trên thực tế, một số vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Dẫn chứng việc xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhấn mạnh, đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, đến nay, cử tri vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Cũng trong phiên họp sáng 20/11, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, thành viên Chính phủ đã giải trình nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm liên quan đến tổ chức dạy thêm, học thêm; việc xem xét bỏ xin giấy chuyển tuyến với bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Các đại biểu nhấn mạnh, để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới, đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp và giữ chân các nhà đầu tư. Các đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động để có quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp đảm bảo môi trường đầu tư.
Thời gian còn lại của phiên họp, Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo Tờ trình và báo cáo thẩm tra, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ đề nghị tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết ban hành chính sách, đánh giá kỹ hơn khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đánh giá cơ sở tính toán dự báo tác động ngân sách và kinh tế vĩ mô trong dài hạn.