Thưa Đại sứ, xin ông vui lòng cho biết bối cảnh, mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và những đánh giá về vai trò của Quốc hội Việt Nam trong phát triển quan hệ Việt Nam - EU.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến EU và nhất là EP diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt. Quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung và EP nói riêng chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.
Thứ nhất, Việt Nam và EU đã ký và thông qua Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện. Hiệp định đã được EP và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào cuối 2016. Vào thời điểm đó, Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thiết lập quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện với EU. Cách đây một tháng có thêm Singapore.
Thứ hai, hai bên đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Các văn kiện này đã được Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí thông qua và đang trình lên Hội đồng châu Âu xem xét. Dự kiến, sắp tới các văn kiện này sẽ tiếp tục được trình lên EP cũng như Quốc hội Việt Nam để thông qua. Trong ASEAN hiện nay mới chỉ có Singapore ký được hiệp định tự do thương mại với EU, và Việt Nam là nước thứ hai đã hoàn tất hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư với EU.
Một điểm nữa minh chứng cho quan hệ hợp tác hết sức thực chất giữa Việt Nam và EU là kim ngạch thương mại giữa hai bên không ngừng gia tăng. EU hiện là đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 55 tỷ USD và chúng ta cũng đứng thứ hai trong các nước ASEAN về kim ngạch thương mại với EU, sau Singapore. Về đầu tư, EU luôn được coi là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Hiện các nước EU đã đầu tư vào Việt Nam trên 45 tỷ USD.
Ngoài ra, quan hệ Việt Nam - EU trong các lĩnh vực khác cũng phát triển năng động như đối thoại chính trị và hợp tác về an ninh quốc phòng. Có rất ít nước ASEAN (1-2 nước) có quan hệ tương tự như vậy với EU.
Quốc hội Việt Nam và EP có vai trò rất quan trọng trong việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện. Sắp tới cả Quốc hội Việt Nam cũng như EP sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Đây là những hiệp định thế hệ mới lần đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển có thu nhập trung bình như Việt Nam. Chúng gắn chặt với các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, mà còn có cả các nội dung về bảo đảm an sinh, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Sắp tới Quốc hội hai bên có rất nhiều việc phải làm để nâng quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới. Việt Nam đã xác định quan hệ với EU luôn là một trong những định hướng ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình. EU cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương về kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như chính trị và an ninh. EU cũng luôn coi vị trí quan trọng của ASEAN trong chiến lược hợp tác với khu vực châu Á - Thái Thái Bình Dương và vai trò của Việt Nam là không thể thiếu trong tổng thể chiến lược này. Vì vậy, EU sẽ đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Mặc dù vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) kéo dài và khó đoán định mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước EU, nhưng giới chức EU vẫn sẵn sàng có những cuộc trao đổi thực chất với Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ trong thời gian tới.
Theo Đại sứ, trong thời gian tới Việt Nam và EU cần làm gì để quan hệ hợp tác song phương gặt hái thêm nhiều thành công, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt?
Các chuyến thăm tiếp xúc cấp cao giữa hai bên sắp tới cần phải tăng cường ở thủ đô Brussels, cũng như tại Hà Nội, và trong khuôn khổ các hội nghị, các diễn đàn đa phương. Trong năm nay, Quốc hội Việt Nam và EP sẽ có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ song phương. Đó là làm sao sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ thương mại đầu tư Việt Nam - EU, và qua đó sẽ đưa quan hệ giữa hai bên phát triển thực chất hơn nữa, đồng thời thúc đẩy và tạo điều kiện hỗ trợ việc xây dựng, triển khai, thông qua những văn bản để thực thi Hiệp định Bảo hộ đầu tư thương mại cũng như Hiệp định Thương mại tự do song phương. Lãnh đạo Quốc hội hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận những biện pháp để mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU hiện nay ngày càng đi vào thực chất. Đã có rất nhiều hợp tác ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, nhưng cũng cần phải được tăng cường hơn nữa để phát huy đầy đủ những tiềm năng của hai bên, để sự kết nối giữa Việt Nam, giữa doanh nghiệp, giữa những nhà đầu tư của Việt Nam với EU ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dành thời gian tiếp xúc với lãnh đạo Quốc hội Bỉ. Đại sứ cho biết chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước?
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Bỉ. Điều này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi Bỉ là nơi đặt trụ sở của EU và của EP. Việc Chủ tịch Quốc hội kết hợp gặp gỡ lãnh đạo Bỉ vào thời điểm hiện nay, bên cạnh ý nghĩa thông thường còn có ý nghĩa quan trọng khác. Tháng 10/2018, hai nước đã ký Hiệp định đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương của Bỉ đã có hiệp định hợp tác với Việt Nam. Bỉ cũng đồng thời là một trong những nơi trung chuyển hàng hóa của Việt Nam, không chỉ với thị trường Bỉ mà với rất nhiều nước của EU.
Năm qua, cả Thượng viện và Hạ viện của Bỉ đều nhất trí ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Sắp tới, sau khi được EP thông qua, hiệp định thương mại tự do có hiệu lực ngay, nhưng hiệp định bảo hộ đầu tư cần phải có sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên EU, nên vai trò của Nghị viện Bỉ trong việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU là hết sức quan trọng để hiệp định sớm đi vào hiệu lực. Vì vậy, cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Bỉ có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ nói riêng, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung, và cụ thể là các Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.
Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!