Nhiều cán bộ, đảng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh rất đồng tình với quy định mới ban hành này, đồng thời nhấn mạnh đến các điểm mới, phù hợp với tình hình hiện nay trong công tác cán bộ.
Kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn
Ông Nguyễn Văn Ngọc, hội viên Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Quy định 41 có nhiều điểm mới, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn, với công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Dù ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào, nhất là trên địa bàn Thành phố vừa trải qua đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 cho thấy rõ năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trước đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 260-QĐ/TW năm 2009 về "việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ". Sau đó, có Quy định 08-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…trong đó quy định cán bộ, đảng viên "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ". Tuy nhiên, việc từ chức được bàn bạc, nói lâu nay nhưng thực tiễn rất ít cán bộ từ chức dù số cán bộ vi phạm bị kỷ luật nặng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Quy định 41 cho thấy cán bộ, đảng viên không còn đủ năng lực, trách nhiệm, "bị diễn biến, chuyển hóa" cần chủ động xin từ chức. Việc từ chức, tức là rời khỏi chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi hết thời hạn bổ nhiệm. "Như vậy, Quy định số 41 có thể được xem là cú hích mới trong trong công tác cán bộ, là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Hiệu quả thực hiện quy định này sẽ là cách xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng", ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, đảng viên ở Quận 3 cho biết, thực tế hiện nay, có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không còn đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí công tác của mình. Song họ không nhìn nhận từ chức là cách hành xử tốt nhất, văn minh nhất, thể hiện tự trọng, tư cách và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo bà Tuyết, Quy định 41 cho thấy bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý không tự từ chức được thì sẽ tiến tới miễn nhiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết mỗi cán bộ lãnh đạo nói riêng hay mỗi người nói chung cần khơi dậy lương tâm và trách nhiệm. Việc từ chức là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của cá nhân; là cán bộ lãnh đạo, quản lý tự soi mình vào những quy định và cảm thấy mình không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.
Vấn đề đặt ra là có những cán bộ sợ trách nhiệm nên không dám làm. Vậy phải làm gì để cán bộ hoặc những người khác đánh giá được cán bộ đó không đủ uy tín hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao nên chủ động từ chức? "Tôi cho rằng cần lấy kết quả công việc tổ chức, lãnh đạo tập thể là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Bên cạnh đó, cần thực hiện kiểm tra chéo, lấy ý kiến của nhân dân, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý 2 lần/nhiệm kỳ, công khai, minh bạch; tránh tình trạng "đu đeo, xu nịnh" hay ngược lại "trù dập, chèn ép" sau khi bỏ phiếu tín nhiệm", bà Tuyết chia sẻ.
Quy định 41 có "độ mở" để khuyến khích những cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực nhưng từ chức vì có sai lầm, khuyết điểm chưa ở mức nghiêm trọng nếu khắc phục, phấn đấu tốt có thể tiếp tục sử dụng họ.
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Là cán bộ lãnh đạo đương nhiệm, bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Phường 3, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận Quyết định 41 là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang quyết tâm, nỗ lực để sớm kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
"Yêu cầu công việc trong giai đoạn khó khăn này đòi hỏi mỗi người cán bộ phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Bất kỳ sự trì hoãn, chậm trễ, thiếu trách nhiệm, quan liêu hoặc xa dân trong thời điểm này đều có thể tác động tiêu cực đến thành quả chung của tập thể, đều có thể đánh mất niềm tin của nhân dân", bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng khẳng định.
Có thế thấy, việc ban hành Quy định số 41-QĐ/TW thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị là cần thiết. Đồng thời, với những quy định mới, cụ thể trong Quy định 41-QĐ/TW, việc quán triệt, tuyên truyền có giá trị như lời cảnh báo, nhắc nhở đối với những cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, đòi hỏi mỗi người phải khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra trong thời gian dài.
Theo bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng, căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực là phù hợp với đường lối của Đảng. Bởi lẽ, khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực là xuất phát từ nguyên nhân người đứng đầu chưa thật sự sâu sát, nắm bắt tình hình, chưa có giải pháp đúng đắn, hiệu quả để phòng ngừa tham nhũng, chưa kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, do đó là chưa làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu.
"Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện là vô cùng lớn. Quy định cần được phổ biến, quán triệt sâu rộng, thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi, tu dưỡng, không để đến mức phải thực hiện miễn nhiệm. Từ đó ngày càng nỗ lực nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất, uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao", bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng chia sẻ.
Như vậy, việc ban hành Quy định 41 trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì với những cán bộ dám nghĩ dám làm, chịu trách nhiệm sẽ khác với cán bộ làm cho có, làm cho xong, "sáng vác ô đi, tối vác ô về"; để mất đoàn kết, cán bộ dùng quyền tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách mà vẫn "bình chân như vại". Đồng thời cần phải kiên quyết và triệt để loại bỏ những kẽ hở trong các quy định, quy chế, thậm chí là trong cung cách làm việc thường ngày ở lĩnh vực công hoặc có tư tưởng "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai"…