Bến Tre có hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm

Ngày 23/9, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện các mô hình kiêm nhiệm theo Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa X.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm đã góp phần giảm các đầu mối, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và người hoạt động không chuyên trách, việc xử lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ có đồng bộ và nhanh hơn so với trước. Các mô hình thực hiện đều được các cấp ủy thảo luận thống nhất, lựa chọn địa bàn, nhân sự cơ bản đảm bảo đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, uy tín để thực hiện và được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định việc thực hiện chủ trương bố trí các mô hình kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở. Các đơn vị chú trọng đổi mới cách nghĩ, cách làm, quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong thực hiện; khi mô hình có hiệu quả thì phải mạnh dạn nhân rộng và thực hiện đồng bộ các mô hình bí thư đồng thời là trưởng ấp, khu phố; những người hoạt động không chuyên trách kiêm những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phương châm "học tập điển hình", "bắt kịp điển hình" và "vượt qua điển hình"...

Ngoài ra, để thực hiện tốt các mô hình kiêm nhiệm, nhất là chức danh kiêm nhiệm ở cơ sở Bí thư kiêm Trưởng ấp, khu phố ngoài trình độ, năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm, cấp ủy các cấp cần chú trọng về điều kiện kinh tế của gia đình để cán bộ, đảng viên an tâm công tác, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên quan tâm, động viên và hỗ trợ cho cán bộ đảm nhiệm hai chức danh.

Với vai trò là một người kiêm nhiệm hai nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Bình Đại chia sẻ, trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, mô hình kiêm nhiệm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp trên địa bàn huyện hoạt động rất hiệu quả. Khi công việc ở ấp thì Bí thư triển khai công việc xuống tận cơ sở, rất sát với đời sống người dân và đạt hiệu quả cao. Cá nhân ông Nguyễn Văn Dũng, khi đảm nhận 2 chức vụ thì nhận thấy có thuận lợi và cũng có khó khăn. Thuận lợi là khi đưa ra chủ trương và thực hiện rất nhanh và hiệu quả. Về điều hành công việc, khi có việc đột xuất giải quyết nhanh và thuận lợi. Tuy nhiên, khi thưc hiện mô hình này thì khối lượng công việc tăng cao, nhiều văn bản để nghiên cứu, mất nhiều thời gian để hoàn thành mọi công việc. Tham dự họp cũng nhiều, có những cuộc họp với vai trò Chủ tịch UBND, những cuộc họp với vai trò Bí thư, do vậy phải sắp xếp công việc khoa học mới có thể giải quyết hết cả hai nhiệm vụ.

Theo Tỉnh ủy Bến Tre, qua 2 năm thực hiện các mô hình kiêm nhiệm theo Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa X, toàn tỉnh có 1.017 trường hợp thực hiện kiêm nhiệm và nhất thể hóa (cấp tỉnh 2; cấp huyện 26; cấp xã 180; ấp, khu phố 809 người).

Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bến Tre, việc thực hiện mô hình nhất thể hóa và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đã từng bước tinh gọn được bộ máy, giảm bớt được đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp và giảm bớt khâu trung gian giữa việc tham mưu, ban hành chủ trương đến việc triển khai thực hiện; quá trình kiểm tra, giám sát cũng được thuận lợi, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh. Với cá nhân cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thực hiện các mô hình kiêm nhiệm, tuy nhiệm vụ có nhiều hơn nhưng đa số đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học để đạt hiệu quả cao nhất; nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, kịp thời triển khai thực hiện trong đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có những hạn chế: Một số cán bộ bố trí kiêm nhiệm trong lãnh đạo, điều hành chưa toàn diện; đôi lúc thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, sắp xếp thời gian chưa hợp lý, chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao. Một số nơi chậm chấn chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp để thực hiện. Do chỉ thực hiện nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh nên trong quá trình tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân huyện vẫn còn thực hiện theo cơ chế, quy chế của từng cơ quan, chưa có quy định chung cho chức danh kiêm nhiệm nên một số nhiệm vụ mang tính tương đồng giữa 2 cơ quan chưa được rút gọn về quy trình, thủ tục…

Ngoài ra, thực hiện nhất thể hóa chức danh là nội dung mới, chưa có tiền lệ, các ấp ủy phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên có lúc hiệu quả chưa cao. Mặt khác, một số quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế khi thực hiện sắp xếp chưa đồng bộ; chế độ, chính sách đối với chức danh kiêm nhiệm hiện hành chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa khuyến khích cán bộ, công chức.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình kiêm nhiệm, thời gian tới, Tỉnh uỷ Bến Tre tiếp tục xác định mô hình kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở. Cùng với đó, tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện mô hình kiêm nhiệm, kịp thời phát hiện mô hình tốt để nhân rộng, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc…

Tin, ảnh: Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Thành viên Ban bầu cử có được kiêm nhiệm không?
Thành viên Ban bầu cử có được kiêm nhiệm không?

Bạn đọc hỏi: Người tham gia làm thành viên Ban bầu cử này có được đồng thời tham gia kiêm nhiệm thành viên Ban bầu cử khác nữa không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN