Cân nhắc và thống nhất quy định tại một luật
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ thống nhất việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật, nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội và xây dựng, phát triển quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, thuộc lĩnh vực kinh tế kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), khi xây dựng được hai luật này còn nhiều điều khó khăn, cần phải phân biệt rất rõ để chuyển sang một luật hay để tồn tại trong hai luật.
Nêu ví dụ về vấn đề xe đưa đón học sinh để lý giải cho nhận định trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, trên xe có hai người, một người lái xe, một người quản lý học sinh (đối với trường hợp xe chở học sinh Tiểu học và Mầm non). Tại khoản 2, điều 76 Luật Giao thông đường bộ đang quy định, lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật chỉ quy định đối với người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh Tiểu học, Mầm non phải có một người quản lý; trường hợp xe trên 24 chỗ có 2 người quản lý trở lên.
"Một cái xe có 2 người lại được điều chỉnh ở 2 luật, vậy khi áp dụng luật trên thực tế sẽ rất phiền phức, khó khăn cho cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý. Cần xem xét, cân nhắc và thống nhất quy định tại một luật", đại biểu Nguyễn Hải Dũng nói.
Đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị quy định thâm niên của người lái xe vận tải học sinh tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ "thuận hơn".
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.
Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.
Đánh giá cao sự cố gắng của Cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau, tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; đề nghị dự thảo luật chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách để phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách. Các quy định còn lại có thể chuyển hết sang quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ để thuận lợi cho người áp dụng.
Hiện nay, Điều 76 của dự thảo Luật không quy định nhiều nội dung nhưng còn dài và chủ yếu quy định liên quan đến bảo đảm an toàn, dẫn chiếu các điều khoản liên quan. Trong đó, một số quy định chưa hợp lý, ví dụ, việc quy định đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý vì khoản 13, Điều 61 dự thảo Luật quy định hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ.
"Trong khi đó, các trường học đều thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh, trong nhiều trường hợp khó phân biệt đây có phải là hoạt động kinh doanh hay không. Đối với trường hợp các đoan vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh, người đứng ra tổ chức hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là các nhà trường, tránh tình trạng như ở một số nơi giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề xuất.
Quy định rõ kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ
Quan tâm đến hình thức kinh doanh vận tải bằng ô tô, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, theo dự thảo luật, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. "Như vậy, dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo luật. Đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật", đại biểu Thạch Phước Bình nói.
Đối với quy định về cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa thông qua phần mềm kết nối với hành khách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, Quốc hội vừa thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có quy định về nền tảng số trung gian. Đây là một nền tảng mà chủ quản độc lập với các bên thực hiện giao dịch. Quy định này cho thấy sự tách biệt rõ rệt giữa các chủ thể khác nhau trong một giao dịch thương mại điện tử diễn ra trong môi trường mạng: Chủ thể nền tảng số trung gian, người cung cấp dịch vụ hàng hóa và khách hàng.
Cho rằng, dự thảo Luật đang có sự "nhầm lẫn" giữa các chủ thể trong giao dịch dịch vụ vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khác, hàng hóa bằng xe hai bánh, ba bánh qua phần mềm trung gian kết nối thì có 3 chủ thể khác nhau: Doanh nghiệp, tài xế và hành khách. Tài xế trực tiếp vận tải hành khách. Còn doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ số kết nối chỉ chuyển yêu cầu vận chuyển của hành khách tới tài xế. Vai trò của từng chủ thể trong giao dịch cũng như nghĩa vụ tương ứng là hoàn toàn khác nhau.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp vận tải hành khách. Còn trách nhiệm, nghĩa vụ đối với chủ quản nền tảng số trung gian cần được quy định vào một điều khác phù hợp hơn.