Nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp trong năm 2020, nếu phải kéo dài, không quá nửa đầu năm 2021, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ban Chỉ đạo phải khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo xử lý dứt điểm những dự án, doanh nghiệp yếu kém. Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, trong khi thời gian còn lại rất ít, do vậy, Ban Chỉ đạo phải thực sự phát huy trách nhiệm - nhất là các chủ đầu tư dự án, chủ doanh nghiệp - trong xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ này, thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo theo các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp (doanh nghiệp có dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ) phải đề xuất các phương án khả thi, thẩm quyền xử lý và thời hạn xử lý theo phương châm doanh nghiệp và chủ đầu tư phải chủ động, tự chịu trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động, an sinh xã hội, môi trường và ổn định xã hội cũng như quốc phòng an ninh.
Yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm tốt hơn nữa vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cũng là vai trò của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu các Tập đoàn, Tổng công ty liên quan đến 12 dự án, Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban kịp thời tham mưu, tổng hợp cho Ban Chỉ đạo để xác định rõ các vấn đề cần xử lý và nêu rõ quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm phối hợp, có ý kiến đầy đủ, đúng hạn để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp, tham mưu kịp thời. Các vấn đề vướng mắc, khó khăn cần sớm được phản ánh tới Ban Chỉ đạo, kèm theo phương án xử lý rõ ràng, nêu rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Khẳng định Chính phủ, Ban Chỉ đạo không làm thay công việc của doanh nghiệp, trách nhiệm chính thuộc về các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp cần chủ động làm việc với các đối tác, từng bước có phương án xử lý về tài chính, thực hiện các giải pháp để giảm lỗ. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, các bộ, ngành đánh giá kỹ việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó mới có cơ sở xem xét việc đưa 3 dự án trên ra khỏi diện theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo.