Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/3 đã tiếp tục nghe báo cáo và thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (bao gồm: mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020); kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng, các chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng thông qua, đồng thời đề nghị Chính phủ cần sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...
Việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm cần được tập trung quyết liệt, giải quyết cơ bản những bất cập trong 2 năm đầu kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, nợ xấu, bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, biến đổi khí hậu, xử lý ùn tắc giao thông 2 thành phố lớn, có biện pháp quản lý lễ hội và phát huy truyền thống, lễ hội dân gian, tránh lãng phí, tốn kém thời gian, tiền của người dân....
Trong quá trình triển khai, cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện các khâu đột phá chiến lược; thực hiện tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
* Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản
Trình bày kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự kiến trong 5 năm tới sẽ xử lý xong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách trung ương và thanh toán cơ bản số vốn ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong nhiều năm qua. Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; ngân sách Trung ương sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho các dự án lớn và nâng cao đáng kể hiệu quả đầu tư.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, do cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tổng mức ngân sách Trung ương trung hạn 5 năm 2016-2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm tới.
Ngoài ra, đối với các dự án của một số bộ, ngành trung ương, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương lớn, “Nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác; thậm chí sẽ không còn nguồn để khởi công mới”, Bộ trưởng Vinh lưu ý.
Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 cho biết, theo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước trong giai đoạn này là 1.846.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển do các bộ ngành, địa phương đề xuất khoảng 4.000.000 tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn của ngân sách nhà nước. Nguyên tắc bố trí vốn dựa vào tổng mức vốn được quyết định, các bộ, ngành, địa phương phân bổ 90% cho các dự án; 10% còn lại dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh.
Quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tổng mức đầu tư theo báo cáo của Chính phủ mới chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thống nhất về số liệu. Các dự án quan trọng quốc gia mới chỉ dừng ở việc nêu khái quát về dự án, chưa có số liệu chi tiết, cụ thể về nhu cầu vốn, dự kiến bố trí cho từng năm và cho cả giai đoạn; chưa có số liệu tổng hợp, so sánh giữa nhu cầu vốn đầu tư và khả năng đáp ứng thực tế của từng vùng, miền, địa phương, lĩnh vực… dẫn đến thiếu căn cứ để xem xét, quyết định.
Chính phủ cần xác lập trật tự ưu tiên, thu hẹp định hướng đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, phù hợp với khả năng cân đối vốn; lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho các dự án… bám sát các quy định của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, cơ cấu lại nguồn vốn, tạo bước chuyển đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư; thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý khi xảy ra các sai phạm trong đầu tư công…
* Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, đến năm 2015, tổng diện tích các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp là 26.791,58 nghìn ha, tăng 565,19 nghìn ha so với năm 2010; diện tích các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp là 4.049,11 nghìn ha, tăng 399,02 nghìn ha so với năm 2010. Đối với nhóm đất chưa sử dụng, trong 5 năm qua (2011-2015), cả nước đã khai thác đưa vào sử dụng 875,88 nghìn ha đất chưa sử dụng, trong đó chủ yếu cho mục đích khoanh nuôi, phục hồi rừng và trồng rừng.
Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả; đồng thời tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, trên cơ sở đó Chính phủ đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến kỳ cuối (2016 -2020) cấp quốc gia.
Theo đó, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp là 27.0,09 nghìn ha, tăng 306,33 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc hội; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 4.780,24 nghìn ha, giảm 100,08 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong 5 năm tới (2016 – 2020), tập trung đầu tư cải tạo, khai thác đưa vào sử dụng 977,64 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; đến năm 2020 diện tích đất chưa sử dụng của cả nước còn 1.310,36 nghìn ha, giảm 172,92 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (1.483,28 nghìn ha)…
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia. Liên quan đến phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, theo quy hoạch đã được Quốc hội quyết định thì đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812,43 nghìn ha, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn ha (giảm 52,04 nghìn ha).
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số nước nhập khẩu gạo lớn là bạn hàng truyền thống của Việt Nam giảm nhu cầu do họ dần dần tự chủ được lương thực. Do vậy, thu nhập của người trồng lúa không cao so với các loại cây trồng khác. Diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Về diện tích điều chỉnh giảm 52,04 nghìn ha đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn ha) là do hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt, thoái hóa đất... sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác.
Theo chương trình, ngày 8/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Pháp lệnh quản lý thị trường.