Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.
Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề phòng, chống tội phạm về ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy. Dự thảo Luật xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện.
Dự Luật khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.