Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã quy mô nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của địa phương. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế ở các địa phương tăng, chi ngân sách cho hoạt động của bộ máy ngày càng nhiều. Từ những thực tế trên, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh là cần thiết nhằm đưa bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Quyết tâm cao thực hiện khối lượng công việc lớn
Là đơn vị hành chính loại II, tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 262 đơn vị hành chính cấp xã. Đối chiếu quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có thị xã Hồng Lĩnh và 63 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.
Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 80 đơn vị, đạt 127% so với số xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (trong đó có 51/63 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 19 xã liên quan và 10 xã khuyến khích).
Trong giai đoạn 2019 - 2021, số đơn vị hành chính cấp xã Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp lớn: 80/262 đơn vị, chiếm 30,5%, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Một số huyện giảm nhiều đơn vị hành chính cấp xã như huyện Đức Thọ giảm 12 xã, huyện Thạch Hà giảm 9 xã, huyện Hương Sơn giảm 7 xã, huyện Can Lộc giảm 5 xã, huyện Cẩm Xuyên giảm 4 xã.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng: Hà Tĩnh là đơn vị có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn, trong khi việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang cận kề.
Việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện ở cấp cơ sở. Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã lần này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tính toán thận trọng, cụ thể, khoa học và có lộ trình, bước đi thích hợp để đảm bảo tính bền vững, tránh việc sáp nhập không hiệu quả, gây mất ổn định, lãng phí, làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cũng nhấn mạnh: Tỉnh Hà Tĩnh xác định chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đúng đắn. Đây là việc khó, thách thức lớn, nên phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân
Từ những bài học quý báu sau đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố vào năm 2012 và xuất phát từ tình hình thực tế, mỗi địa phương của tỉnh Hà Tĩnh có cách triển khai sáng tạo riêng. Các huyện, xã đều lấy ý kiến của cấp ủy, đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức và nhân dân nhiều lần trước khi tiến hành việc sáp nhập. Từ ý kiến thu thập được, cấp ủy hoàn thiện kế hoạch tinh gọn bộ máy và tập trung chỉ đạo đối với từng nội dung.
Tại huyện Can Lộc, công tác chuẩn bị sáp nhập xã được tập trung từ rất sớm. Khi có chủ trương, Can Lộc đã nhanh chóng vào cuộc tổ chức rà soát toàn bộ các xã, thị trấn và xác định các xã không đảm bảo 50% của cả 2 tiêu chí, buộc phải sắp xếp. Theo đó, địa phương này có 7 xã thuộc diện phải sáp nhập là: Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc, Yên Lộc, Vĩnh Lộc, Khánh Lộc và Tiến Lộc. Sau sáp nhập, huyện Can Lộc sẽ giảm được 5 xã.
Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong cho biết: Ngay từ cuối tháng 4/2019, được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc, các tổ công tác đã tiến hành họp với cán bộ cốt cán, đảng viên để báo cáo tóm tắt nội dung đề án, xin ý kiến một số nội dung cần thống nhất trong đề án như: Tên gọi, địa điểm đặt trung tâm hành chính, sử dụng tài sản và bố trí cán bộ sau sáp nhập. Các nội dung đều được cán bộ, đảng viên cơ bản thống nhất cao, tiếp thu các ý kiến góp ý. Ban chỉ đạo sáp nhập xã ngay sau đó đã hoàn chỉnh một số nội dung cơ bản phục vụ cho việc tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể nhân dân, nhất là tại các xã thuộc diện sáp nhập để tạo được sự đồng thuận cao nhất.
Sau khi lấy ý kiến từ các cán bộ cốt cán, đảng viên, từ cuối tháng 7/2019, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Cử tri Nguyễn Chân Sơn, thôn Thanh Minh (xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà) bày tỏ: “Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri ngay tại các thôn xóm thể hiện sự khách quan, công khai, minh bạch và tôn trọng nhân dân. Qua buổi lấy ý kiến cử tri tại thôn, người dân còn được lãnh đạo địa phương trực tiếp giải đáp các thắc mắc về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh đó, chính người dân cũng được tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung”.
Qua 5 ngày lấy ý kiến cử tri (24 - 28/7/2019) tại 80 xã thực hiện việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 97%. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, trung bình trên 90% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập xã, trong đó 9/80 xã có 100% cử tri đồng ý thực hiện sáp nhập, 31 xã có 99% cử tri đồng ý sáp nhập, các địa phương còn lại dao động từ 91% đến 98%, địa phương có tỷ lệ thấp nhất là 81,4%.
Bài cuối: Giải bài toán dôi dư cán bộ