Đột phá từ thể chế
Khẳng định tinh thần quán triệt 3 đột phá chiến lược mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào số hóa tài nguyên đất đai, quản lý về nhân khẩu, con người, đồng thời xây dựng nền kinh tế thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bắc Giang quan tâm đến việc xây dựng đô thị thông minh theo đề án đã được phê duyệt đến năm 2030, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để công tác quản lý minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, tạo ra một chính quyền thân thiện.
Cùng với đó, Bắc Giang chú trọng khâu đột phá từ thể chế, chính sách phù hợp nhằm khơi dậy các nguồn lực, tiềm năng, đặc biệt tiềm năng về đất đai, con người, nguồn vốn địa phương... "Nếu có cơ chế, chính sách tốt, vấn đề thu hút đầu tư cũng sẽ có ưu thế hơn, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Theo đại biểu Lê Ánh Dương, với thế mạnh phát triển nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Bắc Giang có vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với 52.000 ha, trong đó riêng cây vải thiều đạt khoảng 28.000 ha, với tổng sản lượng trên 200.000 tấn/năm. Ngoài ra, Bắc Giang cũng là vùng chăn nuôi lớn, có tổng đàn gà và đàn lợn đứng thứ ba cả nước.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng, Bắc Giang sẽ tập trung vào những sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó cây vải thiều đóng vai trò là sản phẩm chính, hiện đã xuất khẩu tới hơn 30 nước, gồm cả thị trường khó tính như Nhật Bản.
"Trong những năm tới, Bắc Giang xác định sẽ tập trung tái cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, chuyển từ phát triển về chiều rộng, tức là dựa trên năng suất sang phát triển về chiều sâu, dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - công nghệ và chuyển theo hướng sản xuất nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để nông dân có thu nhập ngày càng cao hơn", đại biểu Lê Ánh Dương thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, mặc dù tỷ lệ sản xuất theo hướng hữu cơ của địa phương mới đạt khoảng 40%, song mục tiêu trong những năm tới, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ này lên gấp đôi để vải thiều Bắc Giang sẽ là vải thiều hữu cơ. Các sản phẩm cây ăn quả của Bắc Giang sẽ là sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất.
Nâng cao bản lĩnh chính trị
Nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cấp ủy viên làm công tác đảng trong thời gian tới, đại biểu Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, địa phương chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và lan tỏa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các chi bộ cơ sở.
Tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong cấp ủy, mối quan hệ giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Hồ Thị Hoàng Yến nêu rõ, sẽ tăng cường công tác xây dựng đội ngũ bí thư chi bộ gương mẫu, có khả năng lãnh đạo, tập hợp, vận động nhân dân vươn lên trong cuộc sống; đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
Trao đổi về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, để tiếp tục nâng cao đời sống kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với đồng bào dân tộc; các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu Trần Tiến Dũng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Đề án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, như phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển rừng bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, sẽ tập trung phát triển giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chú trọng phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.