Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và nghe Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. * Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 8 năm thực hiện, công tác thi đua, khen thưởng đã có bước chuyển biến tích cực; nhiều phong trào thi đua được các bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị cơ sở phát động và triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị. Công tác khen thưởng đã ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhiều nội dung khác của Luật thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, thời gian quan, công tác thi đua, khen thưởng và một số nội dung của Luật thi đua, khen thưởng chưa đáp ứng và phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Khen thưởng còn có biểu hiện tràn lan. Một số quy định của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành có đối tượng điều chỉnh khá rộng, tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cũng nêu rõ: Luật thi đua, khen thưởng hiện hành quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo, tràn lan trong khâu thực hiện. Việc đề nghị các hình thức khen thưởng cấp nhà nước được thực hiện theo quy trình, thủ tục từ cấp cơ sở, phải qua nhiều cơ quan, cấp bậc xem xét nên rườm rà, khó kiểm soát. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung số điều của Luật thi đua, khen thưởng là rất cần thiết.
* Tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú Đa số ý kiến các đại biểu thảo luận tại hội trường đã tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu còn băn kho ăn về phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng: các nội dung sửa đổi, bổ sung đã nêu trong dự thảo Luật chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, đồng thời chưa tương xứng với yêu cầu.
Cụ thể, đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ hơn những khó khăn trong công tác cư trú cũng như mối quan hệ mật thiết của công tác này đối với công tác phòng chống tội phạm và công tác bảo vệ trẻ em, bảo vệ người chưa thành niên thì mới thấy được sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật cư trú hiện hành; đồng thời như vậy mới đầy đủ và thuyết phục hơn.
Thảo luận về thời hạn của Sổ tạm trú, nhiều đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp. Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn) hiện nay trên thực tế có rất nhiều trường hợp, thời hạn tạm trú dài hơn 24 tháng nên khi gần đến thời hạn này, công dân phải tiến hành thủ tục gia hạn. Như vậy, đối với công dân có thời hạn tạm trú trên 24 tháng thì việc bổ sung quy định về thời hạn của Sổ tạm trú đã phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa quy định thủ tục gia hạn cụ thể. Đối với trường hợp có nhu cầu tạm trú dưới 24 tháng, nhưng để giảm tránh việc phải đăng ký gia hạn nhiều lần, công dân sẽ đăng ký thời hạn tạm trú với thời hạn tối đa là 24 tháng. Như vậy, trong trường hợp này, yêu cầu quản lý nhân khẩu thông qua Sổ tạm trú là rất khó thực hiện. Vì vậy, đại biểu Thúy đề nghị ban soạn thảo không sửa đổi nội dung này mà giữ như quy định của luật hiện hành để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại và điều chỉnh như sau: Khi chuyển đến nơi tạm trú khác thì công dân phải nộp lại Sổ tạm trú cho công an nơi đang tạm trú và được cấp một giấy giới thiệu để đến nơi tạm trú mới để được cấp Sổ tạm trú. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Đoàn Cần Thơ) thì lại đề nghị giảm thời gian trước khi hết hạn tạm trú từ 30 ngày xuống 15 còn thì công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn.
* Cần bỏ quy định chính quyền địa phương quy định về diện tích bình quânThảo luận về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP.Đã Nẵng) nhất trí cao như trong dự thảo Luật là giao cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định về diện tích bình quân để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; đồng thời phù hợp với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị bỏ quy định việc xác định của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân vì sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém; đồng thời dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị cần mở rộng thêm các trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ mà cha mẹ đã ly hôn và đã kết hôn với người khác hay một số trường hợp khác, nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, bác, cậu ruột để tạo điều kiện cho người thân được chăm sóc nhau, đồng thời phát huy hiệu quả truyền thống, đạo đức của dân tộc ta. Về điều này thì đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) lại cho rằng, dự thảo quy định như vậy là không phù hợp với quyền tự do cư trú.
Đối với thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú, đại biểu Lù Thị Lừu (Đoàn Lào Cai) tán thành như trong dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Xuyền đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa việc quy định chuyển chỗ ở từ nơi khác vào chỗ ở hợp pháp ở nội thành thuộc các thành phố trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú ít nhất là 2 năm thì mới làm thủ tục đăng ký thường trú, như vậy là chưa phù hợp.
Nguyễn Cường