Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận 3 dự án luật

Sáng 6/6, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

 

Công khai, minh bạch Quỹ phòng, chống thiên tai


Cơ bản tán thành việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng một số ý kiến cũng đề nghị quy định rõ hơn phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, các đối tượng được miễn, giảm đóng góp; vấn đề quản lý, sử dụng quỹ.


Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị nên quy định thành lập Quỹ ở cả 3 cấp, chủ yếu ở cấp huyện bởi nếu chỉ thành lập ở cấp tỉnh sẽ không phù hợp điều kiện thực tế các huyện miền núi, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, giao thông khó khăn, đồng thời dễ tạo cơ chế xin cho.


Các đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nhất trí quy định bắt buộc đóng góp Quỹ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác phòng, chống thiên tai bởi nếu chỉ chờ vào nguồn huy động thì không đủ để đáp ứng yêu cầu hoạt động phòng, chống thiên tai. Việc đóng góp Quỹ cũng là sự chia sẻ của người dân các vùng miền, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, giúp những người trong vùng thiên tai sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, cần công khai minh bạch để tránh thất thoát, thiếu hiệu quả và khiến người dân cảm thấy đây là gánh nặng.


Với góc nhìn khác, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc thêm việc thành lập Quỹ để tránh tình trạng tồn tại quá nhiều loại quỹ; quá trình quản lý, sử dụng Quỹ cũng dễ phát sinh tiêu cực. Trường hợp có thành lập Quỹ cũng không nên quy định việc bắt buộc đóng góp, sẽ tạo tiền lệ cho các loại quỹ bắt buộc khác. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) cũng cho rằng, quy định về Quỹ chưa thực sự hợp lý, làm phát sinh quỹ mới, phí mới bên cạnh các loại thuế mà người dân đang phải đóng góp hàng năm.


Về vấn đề nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến tán thành khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Với quy định về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, chống thiên tai, Nhà nước có sự đầu tư tài chính, trang thiết bị trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng này nhằm hoạt động hiệu quả hơn.

 

Cần giải quyết triệt để tình trạng thông thầu


Các đại biểu cho rằng sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp, song đã xảy ra tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước. Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không nên mở rộng chỉ định thầu. Các đại biểu cho rằng việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay, trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác thì thực hiện như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành để tránh tình trạng xin - cho.


Vấn đề thông thầu, “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Ngọc Vinh, Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị cần giải quyết triệt để bài toán thông thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, Luật nên thiết kế các điều khoản hạn chế việc lách luật. Cho rằng các nhà thầu dù trúng thầu hay không trúng cũng được “hưởng lộc” từ nhà thầu chính khi làm “quân xanh” và hệ quả là tài sản công thất thoát, công trình chất lượng kém, tiến độ không đảm bảo, các đại biểu đề nghị phải quy định hết sức cụ thể về các tiêu chuẩn và năng lực kinh nghiệm cũng như năng lực thiết bị máy móc, chuyên môn của nhà thầu.


Nhiều đại biểu tán thành quy định về phân cấp trong đấu thầu như quy định của dự án luật, nhất là việc phân cấp triệt để hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng xem xét, quyết định như quy định của luật hiện hành.


Nhiều quy định về chống lãng phí khó thực hiện


Phân tích hàng loạt những kiểu lãng phí trong các công trình xây dựng, trong các lễ hội, các hoạt động ma chay, cưới xin, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Chu Sơn Hà, Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Thanh Vân, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)... đều đồng tình với quan điểm cần phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chống lãng phí là vấn đề nan giải, có luật rồi nhưng hiệu quả thực hiện không cao vì không cụ thể, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận xét.


Các đại biểu nhìn nhận nước ta còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí, không tiết kiệm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, sử dụng các nguồn lực cho việc ban hành chính sách nếu không được thẩm định kỹ cũng gây lãng phí, nhiều luật đã có hiệu lực thi hành nhưng không có giải pháp mạnh, khó đi vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí.


Nhiều ý kiến kiến nghị thực hiện khoán chi chế độ, khoán chi biên chế, khuyến khích sống cuộc sống tiết kiệm, cùng với đó thực hiện các biện pháp để quản lý tốt hơn. Để làm được điều này phải tăng cường giám sát, kiểm tra và công bố công khai kết quả giám sát, kiểm tra, có khen chê rõ ràng. Có ý kiến đề nghị nên tổ chức bồi dưỡng quản trị cơ quan cho mọi thành viên trong cơ quan; hạn chế tổ chức lễ hội, hội thảo, chống bệnh hình thức.


Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn: Nhiều điều khoản quy định trong luật còn chung chung, hình thức chưa đưa ra nhiều điều luật cụ thể rõ ràng và sợ rằng khó đưa vào thực tiễn. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị dự án luật cần gia cố thêm, nên gia công chắt chiu xây dựng các quan hệ mẫu mực để đưa vào khuôn khổ chung. Một số điều quy định trong dự án luật rất khó thực hiện và còn để Chính phủ quy định quá nhiều. Các đại biểu đề nghị nội dung nào rõ cần được quy định luôn vào trong luật, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn.


Thanh Hòa - Thanh Vân

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW:

Nhà nước không chỉ “hỗ trợ” Trong dự thảo Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đề cập đến chi tiết “Cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ”, quy định như vậy là chưa thỏa đáng bởi các nguyên nhân sau:

 

Thiên tai thường mang tính bất ngờ, gây thiệt hại trên diện rộng, không chỉ tài sản của người dân, mà của cả tập thể, Nhà nước và cộng đồng (đường sá, cầu cống, các công trình thủy lợi, bệnh viện, trường học...). Vậy nên, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong phòng chống thiên tai, còn người dân chủ động phòng ngừa. Phòng chống thiên tai ở nước ta cũng tương tự như quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, sự tham gia của người dân là rất quan trọng, nhưng Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo.

 

Kinh nghiệm phòng chống thiên tai ở nhiều nước trên thế giới và ngay ở nước ta trong những năm qua cho thấy, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, từ việc thông tin dự báo, chỉ đạo điều hành đến khắc phục sự cố, ổn định sản xuất và đời sống.

 

Hơn nữa, việc dự luật quy định “Nhà nước hỗ trợ” là rất chung chung, trong khi người dân cần sự hỗ trợ rất cụ thể trong những tình huống thiên tai cụ thể. Điều này còn có thể dễ dẫn đến tình trạng chính quyền các cấp ngại hay không chủ động vào cuộc trong việc hỗ trợ người dân. Khi xảy ra thiên tai, vùng ảnh hưởng của nó rất rộng, sức tàn phá cũng lớn, nếu để “cá nhân chủ động” thì việc huy động toàn thể sức mạnh nhân dân để phòng chống thiên tai và sau đó là khắc phục hậu quả thiên tai sẽ rất khó triển khai.

 

Bởi vậy tôi mong rằng, luật quy định theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong công tác phòng chống thiên tai. Chính quyền địa phương các cấp phải đóng vai trò chủ động trong việc phòng chống thiên tai.

 

Huyền Tím (thực hiện)

 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh): “Chú trọng tuyên truyền phòng, tránh thiên tai”

 

Dự thảo Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cần chú trọng hơn đến vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng về công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Thực ra, không nhất nhiết phải đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục một cách lý thuyết mà nên tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền về các tấm gương trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

 

Đơn cử, khi thiên tai xảy ra, cần tuyên truyền mạnh về sự hỗ trợ của Nhà nước, những tấm lòng hảo tâm, cũng như những tấm gương của những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã quên mình để cứu nạn, hỗ trợ về mọi mặt cho đồng bào nơi xảy ra thiên tai.

 

Theo tôi, việc công nhận những người bị tử vong hay thương tật khi tham gia công tác cứu nạn là liệt sĩ hoặc thương binh hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách để hỗ trợ cho những người đã mất sức lao động hoặc tai nạn trong quá trình cứu nạn...

 

Phương Liên (thực hiện)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN