Sức trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp

Từ một vùng đất trũng với những trảng cỏ hoang sơ ngập nước, nhưng chỉ ba năm sau, nhờ sức trẻ của thanh niên, khu vực biên giới ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh đã thật sự đổi mới. Những cánh đồng xanh ngát đã mang lại sức sống mới cho vùng biên giới.


Mang “màu xanh” lên biên giới


Dọc theo con đường đất đỏ ngoằn nghoèo, chúng tôi đến Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền vào một ngày nắng tháng ba. Cái nắng gay gắt ở vùng biên giới đã giảm đi nhiều khi nơi đây đã phủ một màu xanh bạt ngàn từ sức trẻ của thanh niên. Anh Nguyễn Sỹ Nam, một trong những thanh niên đầu tiên tham gia Làng thanh niên, chia sẻ: Chúng tôi lên đây lập nghiệp vào đúng mùa mưa, nên cả khu này thường xuyên ngập nước do không có kênh rạch.


Ở đây, hầu như chỉ là một vùng trũng, đường đi không có vì cỏ mọc um tùm. Nhiều người cảm thấy nản, nhưng nhờ sức trẻ và lòng nhiệt huyết, chúng tôi đã bắt tay ngay vào xây dựng những nền tảng cho làng.


Anh Nguyễn Sỹ Nam “khoe” thành quả lao động của mình.


Không còn những trảng cỏ, đầm lầy mà thay vào đó là những căn nhà khang trang, những con đường thông thoáng với những hàng cây xanh mướt hai bên, đã tạo nên sức sống mãnh liệt ở vùng biên giới. Đó là nhờ tinh thần và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.


Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền được bắt đầu triển khai tháng 12/2009 và chính thức đưa các hộ thanh niên lên xây dựng từ tháng 6/2010. Dự án được quy hoạch trên diện tích 232 ha. Mỗi hộ gia đình khi lên lập nghiệp được hỗ trợ 1.000 m2 đất ở và khoảng 1,5 ha đất sản xuất. Đến nay đã có 92 hộ trong độ tuổi thanh niên đến từ các huyện, thị xã trong tỉnh tham gia dự án này. Hầu hết các hộ là những cặp vợ chồng trẻ trước đây cuộc sống khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất.


Anh Nguyễn Sỹ Nam, khi ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành cuộc sống của gia đình anh trước đây chủ yếu phụ thuộc vào đồng tiền làm mướn hàng ngày từ nghề chạy xe chở đất thuê. Anh Nam cho biết: "Nhờ dự án Làng thanh niên mà chúng tôi có điều kiện để xây dựng cuộc sống mới". Hiện nay, cuộc sống của gia đình anh đã đỡ vất vả hơn nhiều, khi vợ chồng anh vừa sản xuất, chăn nuôi bò, vừa mở một tiệm tạp hóa nhỏ trong làng để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, anh còn nuôi chuồng rắn Long Thừa, hứa hẹn cho thu nhập cao.


Làng thanh niên Ninh Điền thực sự là nơi để tuổi trẻ xây dựng và cống hiến. Ở đó, có những thanh niên chấp nhận từ bỏ công việc thu nhập cao nơi khác để lên lập nghiệp nơi vùng hoang sơ, hẻo lánh. Vợ chồng anh Chu Văn Quyết, trước đây làm nghề cạo mủ cao su tại huyện Tân Châu, do có tay nghề nên mỗi tháng mỗi người có thu nhập ổn định trên chục triệu đồng. Nhưng khi dự án làng thanh niên triển khai, anh đã xung phong đi “khai hoang”. Anh Quyết cho biết: "Lúc đó tôi nghĩ dù mình có thu nhập cao, nhưng không lẽ cứ đi làm thuê, làm mướn suốt đời. Vì vậy vợ chồng tôi quyết định rời Tân Châu lên vùng đất này”.


Hiện tại, vùng trũng ở ấp Bến Cừ được thanh niên cải tạo đã mang một diện mạo mới. Những con đường theo kiểu “bàn cờ” đan xen nhau, những con kênh thẳng tắp với những cánh đồng xanh đã tạo nên một một sức sống mới cho vùng đất này.


Cần tạo điều kiện cho thanh niên


Một trong những mục tiêu của dự án làng thanh niên là ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thí điểm một số mô hình mới nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trẻ. Trong ba năm qua, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã ra đời tại vùng đất này. Nhờ đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, giá nông sản ổn định nên đến nay các hộ gia đình đã ổn định cuộc sống. Một số hộ đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.


Sức trẻ đã mang lại màu xanh cho Làng thanh niên lập nghiệp.


Dù vậy, hiện một số hộ vẫn còn khó khăn trong cuộc sống. Theo anh Nguyễn Sỹ Nam, trong 92 hộ thì vẫn còn khoảng 30 hộ phải đi làm thuê, làm mướn ở xa để kiếm sống, cuối tuần mới về nhà. Hiện nay, tại Làng thanh niên đã có nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi như: Mô hình nuôi cá lóc bông, nuôi rắn, trồng rau mầm… Tuy nhiên, hầu hết còn nhỏ lẻ do hạn chế về vốn cũng như kinh nghiệm. Bên cạnh đó, do đến nay các hộ chưa được chính thức cấp đất, nên việc đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, nhiều hộ sợ sau này được cấp sang phần đất khác thì lãng phí.


Ông Lê Đức Lực, cán bộ phụ trách dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền cho biết: "Chúng tôi cũng nắm được tâm tư của các hộ. Trong năm nay, các đơn vị sẽ đo đạc, phân lô đất sản xuất cho các hộ để họ yên tâm sản xuất. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ vay vốn, mở các lớp dạy nghề, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ".


Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đang thí điểm mô hình trồng măng tây xanh ở làng thanh niên với diện tích khoảng 60 m2 tại gia đình anh Nguyễn Văn Công. Anh Công cho biết, bước đầu thấy cây măng tây xanh rất phù hợp với vùng đất này, phát triển rất tốt. Nếu được mở rộng, mô hình này sẽ cho thu nhập cao vì giá bán cho thương lái hiện tại là 80.000 đồng/kg. Đây là loại cây khai thác lâu dài, có thể lên đến chục năm. Tuy nhiên, cái khó là vốn đầu tư giống cho loại này rất cao, không phải hộ nào làm cũng được.

 
Ngoài ra, Tỉnh đoàn Tây Ninh kết hợp với các cơ quan chức năng thành lập tổ liên kết nuôi rắn. Đến nay, có rất nhiều hộ nuôi, chủ yếu là rắn Long thừa, để tăng thêm thu nhập, nhưng do đầu ra chưa ổn định nên các hộ không dám mở rộng. “Sắp tới khi có tổ liên kết, đăng ký thương hiệu, tìm được đầu ra cho sản phẩm, thì việc nuôi rắn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tại đây”- ông Lê Đức Lực cho biết.


Bài và ảnh:Vũ Tiến Lực

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN