Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực điều hành thảo luận với chủ đề: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tham gia giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm để Hội thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên phụ nữ. Trong quá trình thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo luật, dự thảo báo cáo quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, Hội quan tâm lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ để phát huy trí tuệ, vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách. Trong 5 năm qua, các cấp Hội cả nước đã chủ trì hơn 15.000 cuộc giám sát chuyên đề, tham gia 55.679 đoàn giám sát, khảo sát của cấp ủy Đảng các cấp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp...
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, hiệp thương giữa các cơ quan; tạo diễn đàn để các cơ quan tăng cường chia sẻ, cập nhật và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong thực hiện các hoạt động về giám sát, phản biện xã hội, đối ngoại nhân dân; tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực phát triển phụ nữ và bình đẳng giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, những năm qua, nhiều chương trình phúc lợi liên quan đến đoàn viên công đoàn được triển khai đem lại nhiều ý nghĩa như: Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn”... Trong 4 năm liên tiếp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Giang Lò Thị Mỷ chia sẻ, những năm qua, MTTQ tỉnh đã chủ trì 13 hội nghị phản biện đối với các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến các vấn đề về nông nghiệp, giáo dục và y tế... Để đẩy mạnh thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở cần nâng cao hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đặc biệt phải làm tốt công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại của công dân.
Nhiều đại biểu đến từ các địa phương cho rằng, nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam rất rộng, trên tất cả các lĩnh vực nhưng khả năng thực hiện còn rất hạn chế, nhất là ở cấp xã. Theo những cán bộ làm công tác Mặt trận tại các địa phương, hiện nay công tác phản biện xã hội tại cơ sở mới chỉ dừng lại ở mức độ góp ý văn bản là chủ yếu. Việc gửi dự thảo đề nghị phản biện với hình thức thành lập hội đồng, tổ phản biện chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, MTTQ cấp xã còn còn lúng túng trong việc xác định nội dung, hình thức giám sát cũng là nguyên nhân khiến công tác mặt trận tại cơ sở chưa cao.
Theo các đại biểu, MTTQ cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội, coi đó là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực của Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, phản ánh đầy đủ, kịp thời các ý kiến của nhân dân đến Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền.