Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội đồng bang Geneva, ông Mauro Poggia sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với Chủ tịch Hội đồng bang Geneva Serge Dal Busco ngày 28/11.
Đánh giá về ý nghĩa và kết quả buổi làm việc, ông Mauro Poggia cho rằng dù không dễ khẳng định ngay lập tức những thành quả, song điều quan trọng hơn hết là cuộc gặp đã tạo ra mối liên kết giữa lãnh đạo bang Geneve và những lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Trong tương lai, đại biểu các cấp hai nước sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận để thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Thụy Sĩ cùng quan tâm.
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Poggia đánh giá cao việc Việt Nam sản xuất được máy thở, không chỉ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu điều trị trước mắt mà còn có thể tiếp tục sử dụng trong các khoa hồi sức cấp cứu (ICU), mang lại giá trị và hiệu quả dài hạn. Trong khi đó, Geneva có những thế mạnh trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu và phát triển dược phẩm, sản xuất thuốc điều trị các bệnh bao gồm cả COVID-19.
Ông Mauro Poggia cho biết với tình hình dịch bệnh hiện tại đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường cùng với việc xuất hiện nhiều biến thể mới dễ lây lan của virus SARS-CoV-2, việc hợp tác phòng chống COVID 19 ứng phó với đại dịch là rất cần thiết. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Chính phủ LB Thụy Sĩ đã chia sẻ những khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết ứng phó với đại dịch khi dành cho Việt Nam gói viện trợ khẩn cấp trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 5 triệu USD. Ông Cassis còn kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa ETFA (nhóm thương mại tự do châu Âu do Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein thành lập) và Việt Nam.
Theo ông Poggia, chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã mở ra tiềm năng và cơ hội để nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sĩ và cũng như quan hệ với bang Geneva sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1971, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn cam go nhất, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam là đối tác năng động với triển vọng phát triển kinh tế và là thị trường hứa hẹn đối với Thụy Sĩ. Mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đang chứng kiến mức độ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và còn nhiều dư địa để phát triển. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 3,3 tỷ CHF vào năm 2020. Hai bên cần nỗ lực tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động hợp tác để hiện thực hóa những tiềm năng, mở ra cơ hội làm phong phú mối quan hệ song phương.
Phòng Hội thảo Geneva mới được khánh thành tại Hà Nội đánh dấu thêm một dấu mốc trong hàng loạt sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Phòng Hội thảo được Thụy Sĩ thiết kế nội thất minh họa phong cảnh tự nhiên của hồ Geneva với những ngọn núi xinh đẹp được xem là nơi chính thức kết nối thành phố Geneva - Thủ đô của Hòa bình - với Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Ông Poggia chia sẻ Geneva chính là trung tâm hoạt động của hệ thống đa phương, nơi đặt trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) tại châu Âu từ năm 1945. Geneva cũng chính là nơi diễn ra đàm phán và ký Hiệp định Geneva năm 1954 - đánh dấu thành công lớn của đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam vì hòa bình.
Lãnh đạo bang Geneva không chỉ quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ chính trị với Hà Nội mà cả về khía cạnh kinh tế, đặc biệt mong muốn thúc đẩy ký kết ETFA. Tuy có sự khác biệt lớn giữa hai thành phố về quy mô và dân số, song vẫn có thể chia sẻ về tầm nhìn đô thị. Geneva có những kinh nghiệm và phương pháp quản lý nhà ở, sở hữu những công trình có giá trị kiến trúc, có chiến lược bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Ba năm sau khi Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Chính phủ Liên bang và bang Geneva đã ủng hộ thành lập Phái đoàn thường trực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Geneva năm 1974, nay là Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ông Poggia cũng đánh giá cao hoạt động của Phái đoàn tại Geneva, cùng phối hợp tổ chức cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bang Geneva. Hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng bang cũng đã có bài phát biểu trong lễ khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam - Thụy Sĩ tại trụ sở Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. Sự kiện có ý nghĩa này góp phần vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ (1971-2021), tăng cường giao lưu nhân dân, văn hóa, kinh tế giữa hai nước.