Tham dự cuộc gặp mặt có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các ban, ngành đã luôn chỉ đạo, quan tâm đến sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, sự phát triển của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ đại biểu Quốc hội nói riêng, tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của Đảng, Nhà nước để phụ nữ phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của mình, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ vui mừng tham dự buổi gặp mặt của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với các nữ đại biểu Quốc hội nhân Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Đánh giá cao Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cuộc gặp mặt để các đại biểu cùng suy nghĩ về chương trình, kế hoạch hành động, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, hướng tới sự bình đẳng, phát triển, tiến bộ của phụ nữ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trong suốt quá trình cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ nữ; đánh giá cao vai trò, vị trí, sự đóng góp của phụ nữ. Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ phát triển, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng, chất lượng và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong từng cương vị đang đảm nhiệm, trong đó có các nữ đại biểu Quốc hội.
Qua các nhiệm kỳ hoạt động, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn tâm huyết và trí tuệ, làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa cử tri với Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tham gia xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách, pháp luật cũng như đại diện cho giới nữ, thể hiện tiếng nói, mong muốn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, hoàn thành tốt trọng trách của người đại biểu nhân dân; đóng góp không nhỏ vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã và đang giữ cương vị quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Khóa XII, Nhóm nữ Nghị sỹ Việt Nam (nay là Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam) đã được thành lập. Đây là một diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
Trong nhiệm kỳ Khóa XIII, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, như tổ chức các hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, đưa ra các đề xuất nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội… Sự phối hợp hiệu quả này đã góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định trách nhiệm: “Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, cán bộ, đảng viên nữ cần chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Ðảng". Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là: Phải có cơ cấu nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Tới đây, năm 2019 là năm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để thực hiện trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu về công tác cán bộ nữ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các nữ đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động phát hiện cán bộ nữ ưu tú để giới thiệu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ, nhất là những cán bộ nữ dự kiến thay thế vị trí của mình; thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình trong nghị trường Quốc hội, cũng như trong quá trình giám sát các chính sách liên quan đến bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả phối hợp trong thời gian vừa qua, chủ động, tích cực hơn nữa trong phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất chính sách cho cán bộ nữ; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cơ cấu cán bộ nữ; phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; xây dựng mạng lưới, câu lạc bộ dành cho nữ lãnh đạo, quản lý, để các chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; chủ động giám sát và tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ; tích cực tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới.
Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội đã trao đổi, thảo luận về phương hướng, cũng như giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị; sự cần thiết của việc không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội; gắn bó với cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó có những ý kiến, đề xuất, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp vào những vấn đề chung của đất nước, cũng như xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách cho phụ nữ, trẻ em...