Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Quy chế làm việc để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần trong các văn kiện của Đảng, nghị quyết của Quốc hội nhằm phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, chuyên nghiệp trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định mới của các luật, nghị quyết có liên quan; khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn.
Cơ bản tán thành với 3 nhóm quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi Quy chế, nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Quy chế lần này cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong bối cảnh đổi mới chung của hệ thống chính trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Quốc hội điện tử, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong những hoàn cảnh đặc biệt, trước các diễn biến phức tạp chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19…
Bên cạnh đó, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Quy chế, các đại biểu đề nghị xác định rõ quan điểm là Quy chế không quy định thẩm quyền mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ quy định trình tự, thủ tục cụ thể để thực hiện các thẩm quyền đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải bao quát đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cũng như phương thức, cách thức xử lý các công việc nội bộ, hành chính.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung và cách thể hiện dự thảo Quy chế, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, rà soát và đã dự kiến sửa đổi, cập nhật, bổ sung nhiều quy trình, thủ tục, phương thức xử lý công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể đã bổ sung mới 6 điều quy định xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra; sửa đổi, bổ sung nội dung của 49 điều để cụ thể hóa các quy định mới liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lược bỏ một số quy định không còn phù hợp.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, qua rà soát các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật nhận thấy còn một số nội dung cần được đánh giá, làm rõ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Quy chế hoặc có văn bản quy định riêng. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo sửa đổi Quy chế, rà soát kỹ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, quy định có liên quan trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết, đánh giá toàn diện phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Trên cơ sở đó, đối chiếu với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tình hình mới để xác định rõ những những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm bao quát đầy đủ, toàn diện các thẩm quyền, nhiệm vụ, nội dung hoạt động, gắn với từng hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tế.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Quy chế; một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là những vấn đề mới, cần được đánh giá tác động kỹ để làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và tính khả thi của quy định nhằm tạo cơ sở vững chắc cả về lý luận và thực tiễn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.