Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật về Hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 7/2003/NQ-UBTVQH11); Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên. Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. |
Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; Cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
Với nhiều nội dung của phiên họp như trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung tham gia đóng góp các ý kiến trong phiên họp.
Bàn về Dự thảo Luật Thủy lợi, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủy lợi, với nội dung cơ bản thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thủy lợi như quan điểm xã hội hóa công tác thủy lợi, chuyển từ cơ chế quản lý thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi để hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu; đáp ứng yêu cầu quản lý thủy lợi hiện nay. Các đại biểu đánh giá cao một số điểm mới trong dự thảo Luật Thủy lợi như quy định giá dịch vụ thủy lợi để đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành về phí và lệ phí đồng thời thực hiện theo cơ chế giá; dự thảo Luật quy định về xã hội hóa trong đầu tư, khai thác công trình thủy lợi theo hướng khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân đầu tư, tham gia xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi.
Cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sửa đổi Luật hiện hành theo hướng tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Cho ý kiến về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước từ năm 2017, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại nội dung Tờ trình theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội liên quan đến chi thường xuyên; tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó cần chú ý về việc chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, tỷ lệ chi lương và các khoản chi khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn nghèo đa chiều, dân số... Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các nguyên tắc: bảo đảm tính hiệu quả cho đầu ra và tinh giản biên chế; giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước từ năm 2017.