Hơn 2.550 cử tri đã tham dự Hội nghị từ hơn 120 điểm cầu gồm: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, 18 huyện, thành phố và 105 điểm cầu kết nối đến các xã, phường, thị trấn của thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tại Hội nghị, từ điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Dương Văn Phước, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam đã báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và giải quyết kiến kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ nhất đến nay.
13 ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được nêu ra tại Hội nghị. Theo đó, cử tri Quảng Nam bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước các kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ nhất, đã được đại biểu Quốc hội tỉnh chuyến đến diễn đàn Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền. Cử tri đánh giá cao Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Bên cạnh đó, các cử tri đã thẳng thắn nêu lên những kiến nghị như vấn đề triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và người dân; việc quy hoạch, sử dụng đất còn chưa hiệu quả, cần phải điều chỉnh; chính sách với người có công; trợ cấp đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần quan tâm đến người nông dân, người chăn nuôi trong đó có các giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; cải cách tiền lương trong bối cảnh đời sống cán bộ, viên chức gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; vấn đề an ninh mạng, lợi dụng mạng xã hội để gây mất trật tự an toàn xã hội, kiến nghị cần có phương án xử lý, giải quyết căn cơ vấn đề này; vấn đề tu sửa, kiên cố hệ thống đê điều chống xâm nhập mặn...
Đại diện các sở, ngành địa phương của tỉnh Quảng Nam đã phát biểu giải trình, làm rõ, tiếp thu một số nội dung cử tri quan tâm liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và cảm ơn các cử tri đã tham dự và phát biểu nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, những vấn đề bức xúc của đất nước cũng như của địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tập hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Về Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đây là một kỳ họp rất đặc biệt, tiến hành 2 đợt họp trực tuyến, tập trung trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp. Mặc dù rút ngắn thời gian họp, song Quốc hội đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Quan điểm chung của Quốc hội là không chủ quan mà tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch nhưng đồng thời phải chuẩn bị những bước để không để đứt gãy sản xuất, tiến hành kế hoạch phục hồi kinh tế, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, tập trung giải quyết được các vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết kỳ họp vừa qua cũng đặt ra việc tổ chức một một kỳ họp chuyên đề vào tháng 12 để giải quyết số nội dung quan trọng, cấp bách chưa giải quyết được trong 2 đợt họp như vấn đề gói kích thích kinh tế, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, những vấn đề công trình quan trọng quốc gia; sửa đổi luật để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp giải đáp, làm rõ một số ý kiến của cử tri tại Hội nghị liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất; vấn đề thu-chi ngân sách nhà nước; công tác phòng, chống dịch; chế độ đối với người có công; vấn đề lùi cải cách tiền lương; các gói cứu trợ; vấn đề liên quan đến quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, khu tái định cư ven biển Duy Hải, vấn đề giao thông Quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam...
Về việc sửa đổi Luật Đất đai được nhiều cử tri quan tâm đề cập, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết do Luật này điều chỉnh những vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến kinh tế- xã hội, lịch sử, liên quan đến nhiều thời kỳ, nên cần phải được tổng kết. Trước mắt, những khó khăn, vướng mắc nào có thể gỡ được, Quốc hội đã và đang cho cơ chế để Chính phủ có thể trình, sửa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề bất cập như đất ở, đất thổ cư chưa rõ ràng, Quốc hội đã nhận thấy, tuy nhiên để sửa như thế nào, phải nghiên cứu, bàn bạc qua 2-3 kỳ họp Quốc hội, phải lấy ý kiến toàn dân, ý kiến chuyên gia, đảm bảo chất lượng của việc sửa Luật.
Về vấn đề chính sách người có công, chia sẻ với ý kiến cử tri về việc có một số trường hợp người tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chính sách, nay đã lớn tuổi, thậm chí đã qua đời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định về cơ bản đã làm tốt và chính Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp giải quyết từng trường hợp cụ thể, thực chất chỉ còn tồn đọng một số ít trường hợp chưa được giải quyết. Ghi nhận phản ánh của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục giải quyết dứt điểm trường hợp còn tồn đọng.
Liên quan đến việc Quốc hội lùi cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, quan điểm của Quốc hội là cải cách tiền lương đi đôi với cải tổ, cải cách, sắp xếp bộ máy hành chính chứ không chỉ dừng ở việc nâng lương. Tuy nhiên, tình hình khó khăn do dịch bệnh khiến Quốc hội quyết định tạm thời lùi lại. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để cải cách tiền lương, cần phải đảm bảo được nguồn lực tài chính. Vì vậy, hiện nay cần phải tích lũy dần để khi thực hiện cải cách có nguồn để chi. Mặc dù lùi thời điểm cải cách tiền lương nhưng Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ “ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Đây là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, lương hưu rất thấp.
Tiếp thu các ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri; đôn đốc các sở, ban, ngành trong tỉnh giải quyết, trả lời cho bà con những vấn đề gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị.