Hai bên đánh giá cao sự phát triển ổn định của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào thời gian qua. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hai nước đã duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, trong hai tháng qua hai bên đã phối hợp triển khai thành công chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (ngày 28 - 29/6/2021) và chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ngày 9 - 10/8/2021).
Hai bên bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có những bước tiến mới, kim ngạch thương mại hai chiều 7 tháng đầu năm 2021 đạt 764,5 triệu USD, tăng 34,8% triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực hợp tác khác như giao thông - vận tải, giáo dục đào tạo, văn hóa - xã hội, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm thúc đẩy.
Hai Thứ trưởng thảo luận và thống nhất cao về các biện pháp tăng cường vai trò của Bộ Ngoại giao của hai nước trong thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là công tác đôn đốc triển khai các thỏa thuận cấp cao và văn kiện đã ký kết, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi đoàn các cấp và tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Hai bên cũng dành thời gian trao đổi về kế hoạch tổ chức “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào, coi đó là dịp để hai bên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, hai Thứ trưởng thống nhất đánh giá, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, đặc biệt trên các vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, ổn định của khu vực và an ninh - phát triển của mỗi nước, trong đó có vấn đề Biển Đông; tiếp tục hợp tác chặt chẽ ứng phó với dịch COVID-19, thúc đẩy tiếp cận vaccine, chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19 một cách công bằng, hiệu quả.
Về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên nhất trí duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế tham vấn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị của hai Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tổ chức, đào tạo cán bộ đối ngoại, nghiên cứu chiến lược, ngoại giao kinh tế, luật pháp quốc tế, lãnh sự, công tác biên giới...
Hai bên thống nhất sẽ tổ chức Tham khảo chính trị lần tiếp theo do Việt Nam chủ trì trong năm 2022.