Thành lập ba thị trấn Đồng Lộc, Lai Uyên và Tân Thành

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vốn ngoài nước cho tỉnh Bình Thuận; quyết định việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Xem xét việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện tinh giản biên chế


Tờ trình về việc xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, để kịp thời triển khai và giải quyết chính sách tinh giản biên chế, Tổng cục Thuế đã xác định đối tượng, mức kinh phí chi trả cho từng đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm giải quyết chính sách tinh giản biên chế, do chưa được Nhà nước giao bổ sung dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế nên Tổng cục Thuế đã tạm ứng từ kinh phí bảo đảm hoạt động theo Cơ chế khoán và Cơ chế quản lý tài chính của Tổng cục Thuế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để chi trả đối với 1.336 công chức đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP là 51.482.124.953 đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt: Tổng cục Thuế được sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động theo phê duyệt tại Nghị quyết số 1094 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 để xử lý dứt điểm đối với số kinh phí đã tạm ứng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP từ năm 2012 trở về trước và tổng hợp vào quyết toán niên độ ngân sách năm 2017. Bổ sung vào Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung chi thực hiện tinh giản biên chế được bố trí, sử dụng từ kinh phí bảo đảm hoạt động được phân bổ hàng năm của Tổng cục Thuế, tạo điều kiện cho Tổng cục Thuế trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo hướng: Cho phép Tổng cục Thuế được sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động theo Nghị quyết số 1094 để xử lý dứt điểm đối với số kinh phí đã tạm ứng thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước trong quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Sửa đổi, bổ sung vào Nghị quyết số 1094 nội dung: Chi thực hiện tinh giản biên chế được sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động được phân bổ hàng năm của Tổng cục Thuế; đồng thời bỏ quy định ngân sách nhà nước giao bổ sung dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với Tổng cục Thuế giai đoạn 2018-2020.


Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sửa và bổ sung thêm 1 khoản chi vào Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13, cho phép sử dụng nguồn chi tinh giản biên chế sẽ nằm trong chi thường xuyên theo cơ chế khoán đối với Tổng cục Thuế và sẽ triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020; cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên từ năm 2017 đã giao cho Tổng cục Thuế để xử lý khoản chi tinh giản biên chế cho 1.336 công chức với số tiền 51.482.124.953 đồng.

Bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Bình Thuận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Bình Thuận.

Báo cáo thẩm tra việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Bình Thuận của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nêu rõ: Đây là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận là chủ dự án, thời gian thực hiện từ 2016-2018. Tuy nhiên, trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 đã giao cho tỉnh Bình Thuận chưa bao gồm khoản viện trợ này. Mặt khác, đây là khoản viện trợ không hoàn lại nên việc bổ sung dự toán sẽ không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Vì vậy, để Dự án giải ngân đúng tiến độ, đúng cam kết với Nhà tài trợ, căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 52 của Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ có Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi sự nghiệp cho tỉnh Bình Thuận từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnh, đây là dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng, có thời gian thực hiện từ 2016-2018; đến hết năm 2017 đã giải ngân được 45 tỷ đồng. Như vậy, đây là dự án đã triển khai, có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, không bố trí dự toán từ nguồn viện trợ này cho tỉnh Bình Thuận. Để bảo đảm tiến độ giải ngân theo cam kết với Nhà tài trợ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ việc dự kiến thực hiện giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 có phù hợp với quy định đã ký kết, theo đó đề nghị nên bố trí 75 tỷ đồng năm 2018 cho tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ với số vốn tài trợ 120 tỷ đồng được triển khai trong giai đoạn 2016-2018, đến hết năm 2017 đã giải ngân được 45 tỷ đồng nhưng lại chưa được bổ sung dự toán năm 2018 khoảng hơn 70 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép tiếp tục tiếp nhận viện trợ này và cho giải ngân theo tiến độ; đồng thời yêu cầu Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách năm 2018 tại Kỳ họp thứ 6.

Thông qua 4 Nghị quyết

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, trên cơ sở 88,3593 km2 diện tích tự nhiên và 32.028 người của xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Địa giới hành chính thị trấn Lai Uyên: Đông giáp xã Tân Long (huyện Phú Giáo) và xã Tân Hưng; Tây giáp xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng); Nam giáp xã Long Nguyên và xã Tân Hưng; Bắc giáp xã Trừ Văn Thố và xã Cây Trường II.

Thành lập thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên trên cơ sở 26,8821 km2 diện tích tự nhiên và 8.5 người của xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Địa giới hành chính thị trấn Lai Uyên: Đông giáp xã Đất Cuốc; Tây giáp xã Tân Lập; Nam giáp xã Đất Cuốc; Bắc giáp xã Tân Định. Sau khi thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành, huyện Bàu Bàng có 340,02 km2 diện tích tự nhiên, 92.539 người, 07 đơn vị hành chính cấp xã (06 xã và 01 thị trấn); huyện Bắc Tân Uyên có 400,30 km2 diện tích tự nhiên, 62.598 người, 10 đơn vị hành chính cấp xã (09 xã và 01 thị trấn). Tỉnh Bình Dương có 2.694,54 km2 diện tích tự nhiên, 1.947.200 người, 09 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 04 thị xã và 04 huyện), 91 đơn vị hành chính cấp xã (46 xã, 41 phường và 04 thị trấn).

Thành lập thị trấn Đồng Lộc trên cơ sở 18,69 km2 diện tích tự nhiên và 6.076 người của xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Địa giới hành chính thị trấn Đồng Lộc: Đông giáp xã Xuân Lộc và xã Mỹ Lộc; Tây giáp xã Thượng Lộc; Nam giáp xã Hà Linh, huyện Hương Khê; Bắc giáp xã Trung Lộc. Sau khi thành lập thị trấn Đồng Lộc: huyện Can Lộc có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 02 thị trấn và 21 xã; tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố; 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 229 xã, 21 phường và 12 thị trấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thông qua 2 Nghị quyết: Về việc thành lập Tòa án nhân dân thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quỳnh Hoa ​​​​​​​ (TTXVN)
Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 11/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN