Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng làm Trưởng ban Ban chỉ đạo; trong 5 Phó trưởng ban có Phó Trưởng ban Thường trực là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương gồm 15 thành viên là lãnh đạo các ban, sở như: Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo quy định số 67 - QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương có 9 nhiệm vụ, 6 quyền hạn. Trong các quyền hạn, Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
Các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng được yêu cầu trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, các đơn vị quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương…