Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp

Chiều 15/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN.


Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc ban hành Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động đào tạo thời gian qua nhằm tạo chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mô hình đào tạo theo hướng đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, góp phần thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử...

Dự thảo Pháp lệnh gồm có 6 chương, 34 điều.

Một số ý kiến cho rằng hiện hoạt động đào tạo nghề của các chức danh tư pháp chưa được điều chỉnh trong Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp.

Tại Điều 35 Luật giáo dục và Điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp, Trường cao đẳng, đào tạo các loại hình giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân cho những người có trình độ trung học phổ thông, trung học cơ sở.

Đào tạo các chức danh tư pháp có tính đặc thù là đào tạo nghề đặc biệt, phục vụ hoạt động tố tụng, học viên phải có bằng cử nhân luật, có trường hợp phải là biên chế trong cơ quan Nhà nước, quy trình bổ nhiệm các chức danh phải thông qua tuyển chọn, thi tuyển rất chặt chẽ.

Như vậy, hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giáo dục và Luật giáo dục nghề nghiệp. Chính từ những lý do đó và để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tại Kỳ họp Thứ 7, Quốc hội đã cho bổ sung Dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 (theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội).

Về việc phối hợp liên ngành trong đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư (Điều 28), dự thảo Pháp lệnh quy định “Hội đồng phối hợp liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập, gồm có các thành viên là đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì thành viên của Hội đồng là đại diện của các cơ quan nêu trên, không có căn cứ pháp luật hoặc phải tư vấn cho Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về công tác đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Dự thảo Pháp lệnh quy định “Hội đồng phối hợp liên ngành có nhiệm vụ xác định nhu cầu nguồn nhân lực Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; đề xuất xây dựng kế hoạch đào tạo dài hạn, trung hạn; nghiên cứu, đề xuất phương án xác định chỉ tiêu đào tạo 05 năm và hằng năm…”.

Một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật luật sư thì việc xác định nhu cầu biên chế, cán bộ và việc đào tạo nghề của những ngành này sẽ do người đứng đầu ngành quyết định.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành, Ban soạn thảo cần cân nhắc về tổ chức, hoạt động của Hội đồng để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Khai mạc Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
Khai mạc Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Sáng 14/9, Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN