Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và Bộ luật dân sự (sửa đổi).Bảo hộ quyền vận tải nội địaỦy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) của Uỷ ban Pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hàng hải Việt Nam có ý kiến đề nghị Bộ luật cần điều chỉnh với tất cả các loại tàu, thuyền hoạt động trên biển và tất cả các loại cảng biển, cảng thủy nội địa mà không nên quy định loại trừ như dự thảo Bộ luật. Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm Bộ luật hàng hải Việt Nam chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại. Đối với tàu cá, giàn di động, ụ nổi, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa… đã được điều chỉnh trong các luật khác như Luật thủy sản, Luật giao thông đường thủy nội địa. Do đó, không thể đưa về điều chỉnh tất cả trong Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), cần có quy định loại trừ ở phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động của các loại phương tiện, các loại cảng có liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng hải, nhưng chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật này nên cần có sự điều chỉnh trong Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Về quyền vận tải nội địa (Điều 8), tán thành quy định về bảo hộ quyền vận tải nội địa để bảo vệ lợi ích quốc gia, góp phần phát triển đội tàu biển trong nước, nhất là trong điều kiện hiện nay nhiều nước trên thể giới có ngành vận tải hàng hải phát triển, có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với ngành vận tải hàng hải nước ta, cả về vốn và kinh nghiệm quản lý… Quy định như vậy là kế thừa quy định của Bộ luật hiện hành và cũng như nhiều nước khác trên thế giới, không trái với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Một vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là liệu quy định về Ban quản lý và khai thác và cảng vụ có chồng chéo nhau hay không? Giải thích trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định không có sự chồng chéo ở đây. “Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Cảng vụ có nhiệm vụ quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép tàu vào, tàu ra. Ban quản lý và khai thác cảng không làm nhiệm vụ này, mà quản lý về quy hoạch, về đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển… để trong cùng một khu vực thì đầu tư cảng có hiệu quả, không bị chồng chéo ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Các nội dung quy định: cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; thanh tra hàng hải; tàu biển; đăng kiểm tàu biển; cảng biển; ban quản lý và khai thác cảng… đã được thảo luận, giải trình cụ thể.
Không giới hạn chữ cái khi đặt tênThời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Về chuyển đổi giới tính Khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Nêu rõ quan điểm về vấn đề này, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh tán thành với việc Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Ông nêu rõ, nếu công nhận việc chuyển đổi giới tính thì sẽ gây “vướng” ngay với Luật Hôn nhân và gia đình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Quan điểm về vấn đề này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật cho rằng quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần phải được ghi nhận trong luật. Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội..., nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật.
Thảo luận về quyền đặt tên (Điều 26), nhiều ý kiến tán thành với việc bỏ quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Tán thành với việc sửa đổi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị cùng với việc bỏ khống chế không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái, cần nhấn mạnh việc đặt họ, tên và chữ đệm của một người phải phù hợp tập quán dân tộc, phù hợp với địa bàn.
Các vấn đề về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; quyền sở hữu và vật quyền khác… đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, làm rõ.
Chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.