Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở theo dõi, đánh giá sự quan tâm của đông đảo cử tri và khán giả truyền hình cả nước, nội dung chương trình ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu; 04 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định cụ thể như: Nguyên tắc thi đua, khen thưởng; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”, Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu, “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, “Gia đình văn hóa”, “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” và các danh hiệu thi đua khác; Về vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; Thẩm quyền trình khen thưởng cấp Nhà nước đối với dân quân tự vệ; Hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Hình thức bằng khen, giấy khen khác; khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng; Tiêu chuẩn tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”;…
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng thời nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung như: Chính sách phát triển, quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Các loại hình bảo hiểm; Bảo hiểm bắt buộc; Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm; Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn; Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm; Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm; Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Bảo hiểm vi mô; Các hành vi bị nghiêm cấm; An toàn tài chính; Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin; Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết; Áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế;…
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ Hai, ngày 30/5/2022, theo dự kiến chương trình, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.