Buổi sáng:
Nội dung 1. Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Trong quá trình thảo luận đã có 14 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Trong đó, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và khẳng định việc phê chuẩn Hiệp định CPTTP của Quốc hội là một quyết định chính trị quan trọng, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đồng thời, có tác dụng thúc đẩy việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do khác.
Để thực thi Hiệp định có hiệu quả, một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện cả về kinh tế, môi trường, giáo dục, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực mà Việt Nam đã cam kết. Bên cạnh đó, cần chú ý tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền của người lao động; bảo đảm môi trường kinh doanh và giữ vững chủ quyền quốc gia.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chương trình hành động, thực hiện Hiệp định, nhất là các nội dung liên quan đến các thách thức đã được đề cập đến trong báo cáo và các thách thức mới phát sinh để có cơ chế xử lý linh hoạt.
Một số đại biểu cũng lưu ý cần coi trọng công tác tuyên truyền để toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nắm được những cam kết mới khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực.
Sau phần thảo luận, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt cơ quan trình báo cáo, làm rõ 3 nội dung đại biểu nêu về đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, về vấn đề lao động và việc sửa đổi các luật liên quan.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Chính phủ cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cử tri cả nước thấy được sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với nước ta trong việc tham gia Hiệp định. Điều đó thể hiện kết quả của công cuộc đổi mới, cải cách nền hành chính quốc gia Việt Nam, khẳng định chúng ta đủ lực, đủ tâm thế để tham gia Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTTP.
Nội dung 2. Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến đối ngoại, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 1/2/2019.
Tiếp theo báo cáo của Chính phủ, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Bên cạnh việc đồng tình với những vấn đề nêu trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như: hiệu quả về kinh tế - xã hội; những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý...
Trong quá trình thảo luận đã có 5 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả, sự cần thiết, tính đúng đắn của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cũng như đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm để có điều kiện chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Về thời gian thí điểm, đa số đại biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ là không quá 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019.
Về nội dung, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 30/2016/QH14. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý Chính phủ cần phải rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai danh mục các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác phối hợp, triển khai và những vấn đề phát sinh. Đồng thời, cần làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền.
Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan trình báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này trong nghị quyết chung của kỳ họp.
Buổi chiều:
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật này. Đã có 16 ý kiến đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số ý kiến đề nghị cần tập trung rà soát phạm vi được phép hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam cho phù hợp với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo với các lực lượng vũ trang khác.
Về vấn đề thực thi pháp luật trên biển, các đại biểu cơ bản tán thành thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam và đề nghị rà soát các quy định để đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật có liên quan.
Về phối hợp hoạt động, một số ý kiến tán thành chỉ quy định những vấn đề chung, các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên tắc, cơ cấu hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng đối với lực lượng Cảnh sát biển.
Sau đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Thứ ba, ngày 6/11/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật này.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).