Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe:
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
- Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 1 và toàn văn Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với đa số đại biểu tán thành.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, tên gọi;
- Về khái niệm bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước; nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm;
- Về danh mục bí mật nhà nước; trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; giải mật và tiêu hủy bí mật nhà nước; thẩm quyền sao chụp văn bản bí mật nhà nước, thống kê, lưu giữ bảo quản bí mật nhà nước…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đã có 19 đại biểu Quốc hội thảo luận và 6 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau:
- Về các vấn đề chung: sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; tiêu chí, điều kiện thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; việc lựa chọn các đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; việc ban hành Luật quy định về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và ban hành các nghị quyết thành lập các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho từng đơn vị; về quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; về nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài; giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; đánh giá tác động về mặt quốc phòng, an ninh quốc gia, tác động đối với cuộc sống của người dân địa phương và khả năng thu hút đầu tư của các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt;
- Về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (phương án 1) hay mô hình cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (phương án 2); về tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; nhiệm kỳ và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; cơ chế giám sát hiệu quả đối với Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo phương án 2 bảo đảm tính đột phá, tinh gọn, hiệu quả; về trách nhiệm của các cơ quan trung ương, chính quyền cấp tỉnh và quan hệ với chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt;
- Về chính sách phát triển kinh tế-xã hội đặc thù bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh: quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; thời hạn giao đất thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược; thủ tục xây dựng; chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, mặt nước; về cơ chế hỗ trợ của ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh cho ngân sách đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, mức dư nợ vay và bội chi của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; quản lý, sử dụng lao động nước ngoài; bảo đảm thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, thuận lợi cho nhà đầu tư;
- Về chính sách đặc thù đối với 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc: cần nghiên cứu, xây dựng chính sách riêng, đặc thù, không trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà xác định cạnh tranh chủ yếu với quốc tế; sự cần thiết quy định cụ thể ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; các chính sách đặc thù cụ thể được dự thảo Luật quy định đối với 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt;
- Một số vấn đề khác: về tổ chức và thẩm quyền của Tòa án, các cơ quan tư pháp khác tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; thời gian trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ năm, ngày 23/11/2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).