Đây là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 - 2030 và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội từ 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, các công việc mà Tiểu Ban kinh tế - xã hội giao cho Tổ biên tập thực hiện cơ bản giữ được tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đây là những công việc nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề cương chi tiết dự thảo Chiến lược và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm và 5 năm tới vừa được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Nhóm nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, sản xuất, nội chính, xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại và môi trường cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng nhằm đưa ra được những dự báo về phương hướng phát triển mới của từng lĩnh vực của đất nước phù hợp với tình hình quốc tế, theo tinh thần đổi mới sáng tạo.
Các thành viên của Tổ Biên tập cho rằng, việc xây dựng Chiến lược và Phương hướng phát triển cho những năm tới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của thế giới rất khác so với 5 năm trước đây, vì thế làm sao Việt Nam thích nghi được với những xu hướng thay đổi này, nhất là về thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, sau 30 năm Đổi mới, quy mô của nền kinh tế Việt Nam và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thay đổi rất lớn, do đó phải đưa được những lợi thế mới của Việt Nam vào trong Chiến lược phát triển 10 năm tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không hề nhỏ, vì thế các thành viên của Tổ Biên tập cần phải nghiên cứu và đưa ra được những phương hướng phát triển mới cho đất nước, theo tinh thần đổi mới sáng tạo, để đất nước tận dụng được thời cơ phát triển bứt phá và bền vững.
Những nhận định và phương hướng phát triển mới của đất nước được Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi và quốc tế đánh giá cao về tầm nhìn, tư duy phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng chỉ đạo những nhận định và đánh giá trong dự thảo phải theo tư duy mới và từ thực tiễn của đất nước, như kết quả thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển đất nước trong mấy năm gần đây, đi theo đó đời sống của người dân trong cả nước được thay đổi. Tiềm lực kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước, dự trữ ngoại hối và các cân đối lớn của nền kinh tế luôn tăng cao và được bảo đảm tốt. Thủ tướng cho biết Ngân hàng phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ vào hàng cao nhất Đông Nam Á. Đặc biệt là uy tín quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định.
Từ tình hình này, Thủ tướng yêu cầu Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội phải đưa ra được những phương hướng phát triển của đất nước với quyết tâm, khát vọng và ý chí vượt qua khó khăn, nếu không Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu. Tổ biên tập cần phải đưa ra được những phương hướng trên tinh thần bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho đất nước. Đồng thời phải giữ vững được chế độ và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Đi cùng với các đột phá chiến lược mới nhưng không phiêu lưu mà phải có cơ sở khoa học. Tất cả phải đặt trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa sử dụng một lần và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh, dù dự thảo Chiến lược và Phương hướng phát triển của 10 và 5 năm tới sẽ còn được cho ý kiến và hoàn thiện nhưng dự thảo phải có nội dung mới, sáng tạo sâu sắc và tinh túy nhất để trình lên Tiểu Ban kinh tế - xã hội cho ý kiến vào đầu tháng 8, trước khi trình Bộ Chính trị.
Thủ tướng yêu cầu Tổ Biên tập cần nghiên cứu thật kỹ, nhất là những điểm mới, điểm đột phá, chứ không sao chép lại các văn kiện trước đây. Tất cả là nhằm phát huy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.