Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo các Bộ: Công An, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và tỉnh Bình Dương; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xây dựng Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore III thành biểu tượng của quan hệ Việt Nam – Singapore
Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) tại tỉnh Bình Dương là VSIP thứ 11 trên cả nước và là VSIP thứ 3 của tỉnh. VSIP III có diện tích 1.000 ha tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.
VSIP III được xây dựng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh theo hướng xanh và thông minh để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp phương tiện vận tải, các ngành cơ khí sản xuất, sản phẩm phụ trợ công nghiệp kỹ thuật cao, dệt may, thực phẩm, đồ uống và dịch vụ hậu cần, kho bãi.
Phát biểu tại lễ động thổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam xác định phải phát triển bền vững dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lầu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng đơn thuần. “Đây là mục tiêu lớn, song tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện thành công”, Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam và Singapore chung ngôi nhà ASEAN – khu vực phát triển rất năng động. Quan hệ Việt Nam – Singapore phát triển rất tốt đẹp, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thể hiện qua các VSIP. Hiện nay, cả nước có 11 VSIP, riêng tại Bình Dương có 3 VSIP. Những VSIP xây dựng sau ngày càng hiện đại hơn, hướng đến phát triển xanh, bền vững, bao chùm, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hiệu quả các VSIP nói riêng, góp phần củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đối với chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chính quyền địa phương và các nhà đầu tư xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao chùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, toàn diện Việt Nam – Singapore. Thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Việt Nam và đường lối xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng. Xây dựng VSIP III thành biểu tượng quan hệ 2 nước Việt Nam – Singapore, mang đậm dấu ấn Singapore và ngày càng xanh, sạch, bền vững, hiệu quả thực chất hơn; mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho nhân dân và tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; quan tâm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và của người dân tái định cư, nhường đất cho dự án nói riêng, với mức sống ở nơi ở mới phải cao hơn nơi ở cũ, năm sau cao hơn năm trước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, dựa trên pháp luật Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam và theo luật pháp quốc tế. “Việt Nam đã ký kết, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, do đó các nhà đầu tư đến Việt Nam không chỉ có thị trường Việt Nam mà có thị trường rộng lớn do 16 hiệp định này mang lại”, Thủ tướng phân tích.
Cùng với thực hiện nghi thức động thổ xây dựng VSIP III, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã chứng kiến trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư vào VSIP, trong đó có dự án trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO.
Bình Dương phát triển nhà ở xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau
Cũng trong sáng 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự Lễ Khánh thành – động thổ các dự án nhà ở xã hội Becamex tại Khu nhà ở xã hội Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, do UBND tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC phối hợp tổ chức.
Là tỉnh công nghiệp năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút đầu tư đứng thứ 2 cả nước, đến nay, Bình Dương có hơn 1,6 triệu lao động. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội. Được UBND tỉnh Bình Dương tin tưởng và giao trách nhiệm, Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị tiên phong đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương.
Hiện tỉnh Bình Dương đã thu hút đầu tư 86 dự án nhà ở xã hội có tổng diện tích sử dụng đất khoảng gần 200 ha, tương đương khoảng 3,9 triệu m² sàn xây dựng. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế.
Nhằm tiếp tục đóng góp nguồn lực cho công tác an sinh xã hội tại địa phương, phục vụ người dân tốt hơn nữa, nâng cấp hệ sinh thái xung quanh các Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ hiện hữu, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại Khu VietSing (thành phố Thuận An); Khu Định Hòa (thành phố Thủ Dầu Một); Khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát); khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng đợt 1 vào cuối năm 2023.
Để người lao động có nhiều sự lựa chọn, chủ đầu tư đã thiết kế nhà ở xã hội rất linh hoạt với nhiều loại sản phẩm, giá bán phù hợp, dao động từ 120 triệu – 280 triệu/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 triệu – 500 triệu/căn; hoặc cho thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong cương lĩnh phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp khẳng định tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền được sống, có công ăn việc làm, có chỗ ở và mưu cầu hạnh phúc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phát huy trí tuệ, phẩm chất và năng lực của con người Việt Nam; đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong đó có chăm lo về nhà ở.
Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Trong các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải quy hoạch nhà ở xã hội với đồng bộ các hạ tầng. Dành quỹ đất tương xứng cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại các trung tâm đô thị, khu công nghiệp. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển nhà ở xã hội.
Với vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, có nguồn đất đai dồi dào và mật độ dân cư thấp; ngay từ đầu Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng quy hoạch tổng thể cho phát triển nền kinh tế - xã hội.
Bình Dương cũng đã và đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp một tỷ trọng ngày càng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp trên 90% sang tỉnh công nghiệp có cơ cấu sản phẩm công nghiệp lên đến trên 60%, dịch vụ trên 35%. Đây là một mô hình để các địa phương trên cả nước tiếp tục nghiên cứu học tập và nhân rộng.
Đến nay, Bình Dương có hơn 1,6 triệu lao động, đây là lực lượng trẻ năng động, có tay nghề, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ các hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và cả vùng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, cụ thể tỉnh đã sớm phê duyệt đề án nhà ở xã hội đã được triển khai tốt từ hơn 10 năm trước. Điều này đã giúp hàng trăm ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, dù đã đạt được các thành quả rất tích cực, nhưng so với nhu cầu nhà ở xã hội thì vẫn chưa đáp ứng đủ cho gần 1,6 triệu lao động. Vì vậy, Bình Dương cần đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội mới phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bám sát các nhu cầu về nơi ăn chốn ở của người lao động; hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết khó khăn vướng mắc để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh các bước thực hiện, hỗ trợ vay vốn lâu dài đi theo đó là các ưu đãi về lãi suất cho người lao động mua được nhà ở xã hội. Tất cả vì mục tiêu chung là mang lại sự yên tâm An cư – Lạc nghiệp cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với phương châm đảm bảo hài hòa, hợp lý lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tỉnh Bình Dương tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Trước mắt giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp, mới đến Bình Dương làm việc, sinh sống, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nhưng phải hướng tới xây dựng hệ sinh thái nhà ở xã hội ngày một hoàn chỉnh hơn, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, đáp ứng mong muốn của người lao động, góp phần ổn định thị trường lao động để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đặc biệt, góp phần để tỉnh Bình Dương phát triển bền vững, bao chùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.