Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và một số lãnh đạo bộ, ngành.
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả quyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 - 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.
Tổ Tư vấn cho rằng, năm 2019 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9 - 7% và lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).
Tổ Tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.
Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 - 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.
“Hiến kế” giải pháp đối với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các ý kiến của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác (có thể giao Tổ Công tác của Thủ tướng) giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Các chuyên gia cũng kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân. Đơn vị và cá nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép”.
Điều quan trọng theo Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cần phải hành động nhanh, quyết liệt bởi nếu không nhanh thì “dân tộc mình già trước khi giàu”.
Một số ý kiến nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ phải có khát vọng phát triển mạnh mẽ, như khát vọng vô địch trong bóng đá không chỉ đơn giản là chiến thắng trong một môn thể thao mà là khát vọng ngẩng cao đầu trước thế giới.
Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô.
Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, các chuyên gia, thành viên của Tổ đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao.
Điểm lại kết quả năm 2018, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta không chỉ giữ vững mà phát triển khá toàn diện trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Có thể nói là mang lại niềm tin lớn cho gần 100 triệu dân, đời sống tốt hơn, nhất là giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao”.
Trên tinh thần đó, nhấn mạnh sự “bứt phá” trong khẩu hiệu hành động năm 2019, Thủ tướng đặt yêu cầu cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển và “phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá”.
Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án này với sự tham mưu của Tổ tư vấn.
Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với phía Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến cho rằng phải tạo chuyển biến, tháo gỡ trực tiếp, có hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền tốt hơn, khắc phục tư tưởng cuối nhiệm kỳ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc các ý kiến xác đáng, đưa vào dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2019 và Nghị quyết 02 về nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng hoan nghênh Tổ tư vấn đã chủ động phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đề tài mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025.
Cho biết sẽ giao VCCI tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.
Tổ tư vấn cần huy động thêm các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.
Về hoạt động của Tổ tư vấn năm 2018, Thủ tướng cho rằng có nhiều đóng góp có giá trị, kịp thời. Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn theo dõi chủ trương, quan điểm chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng khẳng định luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các thành viên Tổ tư vấn kể cả những vấn đề các chuyên gia không đồng tình. Thủ tướng mong Tổ tư vấn tiếp tục phổi hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để nắm bắt thực tiễn, đề xuất kịp thời hơn nữa.