Kết luận nêu rõ: Chiều 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Đắc Vinh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành y tế, quân đội, công an và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Cả nước đã có gần 50 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang cận kề, dịch bệnh tại nhiều nước đang bùng phát trở lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại ở nước ta, nhất là tại trường học, bệnh viện, các đô thị lớn..., tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K, trước hết là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Cùng với đó, quản lý tốt các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly, nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí; thường xuyên kiểm ra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly, việc giám sát y tế đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Người đứng đầu các địa phương, cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc quản lý các cơ sở cách ly và giám sát y tế sau cách ly.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép; yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày hạn chế tham gia, sử dụng các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế; hoàn chỉnh và công khai quy trình phòng, chống dịch đối với nhập cảnh Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương đề xuất các mô hình quản lý người nhập cảnh, bảo đảm linh hoạt, an toàn về y tế; có cơ chế định kỳ giám sát COVID-19 bằng việc xét nghiệm cho người làm việc tại các cửa khẩu, hải quan, khu vực sân bay có tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh; tiếp tục mở rộng triển khai khám chữa bệnh từ xa; nâng cao năng lực cán bộ y tế toàn tuyến, chú trọng y tế dự phòng; hoàn thiện phác đồ điều trị, hợp tác nghiên cứu phát triển vắc xin phòng COVID-19; nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh phù hợp với khả năng, xét nghiệm trên diện rộng, truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo bảo đảm đủ cơ số dự trữ các vật tư, trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch tại các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương; tiếp tục lưu ý xử lý các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao (như dịch tả) xảy ra sau lũ lụt ở một số địa phương.
Các địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị như bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (như siêu thị, chợ, nhà ga, sân bay...) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết, thường xuyên tự chấm điểm, đánh giá mức độ an toàn của cơ quan, đơn vị, cơ sở. Các bệnh viện phải có phương án chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan. Mọi trường hợp có biểu hiện ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời.
Các địa phương tiếp tục lựa chọn các cơ sở cách ly dân sự có thu phí. Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị tốt, sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.
Các bộ, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao như: Xử lý nhanh thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh; hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin phòng dịch; lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ hướng dẫn phòng, chống dịch; lập danh sách người Việt bị kẹt ở các nước và phương án đón về nước; nghiên cứu thuốc, vắc xin, phác đồ điều trị; chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm việc mua sắm thiết bị sinh phẩm phòng, chống dịch theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải phối hợp có quy trình rõ ràng, thống nhất, thuận lợi trong việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Thủ tướng yêu cầu chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Đồng thời, các cấp, các ngành tiếp tục truyền thông mạnh mẽ nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng phải vào cuộc vận động hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trước khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, thuận lợi hơn nữa.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.