Các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng dự lễ trao giải.
Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng cảm ơn sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của thế hệ những người làm báo trên cả nước nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; tri ân những nhà báo qua các thời kỳ đã cống hiến hết mình, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, Báo chí Cách mạng nước nhà đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí đã tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Báo chí cũng đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế và hình ảnh Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong những tháng đầu năm nay, các cơ quan báo chí, truyền thông đã có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ COVID-19. Chủ trương của Đảng, Nhà nước, hành động quyết liệt của Chính phủ với những thông điệp mạnh như "chống dịch như chống giặc", "mục tiêu kép - chống dịch đi đôi với duy trì, phát triển kinh tế"… đã được báo chí cả nước truyền tải hiệu quả hàng ngày hàng giờ đến từng từng người dân, từng doanh nghiệp.
Thể hiện sự chia sẻ với các nhà báo, cơ quan báo chí trước những khó khăn do đại dịch gây ra, làm nguồn thu của không ít tờ báo cũng bị sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của những người làm báo, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí, tạo điều kiện để báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Báo chí Cách mạng lấy sứ mệnh của Cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045. Báo chí nước nhà cùng với cách làm truyền thống, cần chủ động đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn vào những ấn phẩm có nội dung khoa học, phân tích chuyên sâu. Đồng thời, Báo chí đóng vai trò lớn hơn dẫn dắt, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
"Chúng ta đặt vấn đề quy hoạch lại báo chí, đề cao trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đề cao tính tự chủ của mỗi tờ báo đó là điều cần thiết và đúng đắn, nhưng còn một vế nữa cần nghiên cứu, hoàn thiện đó là xem xét cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm mỗi nhà báo, mỗi tờ báo ổn định thu nhập và an tâm thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình. Bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa, đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo. Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho Báo chí Cách mạng phát triển và cũng luôn coi trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, thực tiễn cuộc sống của nhân dân thông qua báo chí, đó là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúc mừng các nhà báo được trao Giải Báo chí Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước trân trọng sự đóng góp của các nhà báo đoạt giải, cùng rất nhiều các phóng viên, biên tập viên, những người đóng góp trực tiếp, gián tiếp cho lĩnh vực thông tin của đất nước.
Thủ tướng chỉ rõ: hầu hết các bài tham gia dự giải và đoạt giải Báo chí Quốc gia chủ yếu là phản ánh mặt trái, mặt tiêu cực, hạn chế, còn ít các bài mang tính phát hiện nhân tố mới, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa chân, thiện, mỹ trong xã hội. Còn thiếu những bài phân tích, đưa ra những kiến giải, gợi ý trong hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế quản lý nhằm tạo bước phát triển đột phá. Kể cả những tác giả, tác phẩm đoạt giải cao nhưng vẫn thấy thiếu vắng những tên tuổi lớn trong làng báo. Qua từng năm, từng mùa giải, cần rút ra kinh nghiệm và bài học để có định hướng cho những giải sau về chủ đề, về thể loại, theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước theo từng năm, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Giải báo chí năm 2020, với nhiều sự kiện trọng đại, cả đối nội và đối ngoại, nhất là sự kiện Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là những nguồn cảm hứng lớn hơn, thách thức hơn, sẽ hứa hẹn một mùa giải chất lượng, thú vị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng lực lượng hùng hậu với hơn 25.000 hội viên – nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng tạo điều kiện cho các cấp Hội để Hội Nhà báo Việt Nam phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đoàn kết, tập hợp và bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên - nhà báo trong cả nước.
Thủ tướng cũng gửi lời chúc những người làm báo trong cả nước luôn luôn dấn thân, nhạy bén và tấm lòng trong sáng, vì nước, vì dân để tiếp tục có nhiều tác phẩm đi vào lòng người, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, nhân dân.
Thể hiện rõ sự đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí
Trong số 140 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia năm 2019 đã lựa chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có 9 giải A (hai thể loại ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh và phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (phát thanh) không có giải A), 21 giải B, 41 giải C, 32 giải Khuyến khích.
Cụ thể, 9 giải A được trao gồm:
Thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in) được trao cho loạt 5 bài: Trò chuyện văn chương của tác giả Trần Hữu Việt (Hữu Việt) – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.
Thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) được trao cho loạt 5 kỳ: Khởi động chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của nhóm tác giả: Tô Đình Tuân, Lê Cao Cường, Phạm Hồng Kỳ, Võ Hoàng Triều, Hoàng Văn Thanh – Báo Người Lao Động, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh
Thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép (báo in) được trao cho loạt 3 bài: Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn" của nhóm tác giả: Quang Hưng, Xuân Thủy, Hoàng Anh, Tô Hà, Minh Dũng – Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.
Thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (phát thanh) được trao cho tác phẩm loạt 5 bài "Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giao đoạn mới" của nhóm tác giả Dương Đình Tuấn, Vũ Hải Định - Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thể loại tin, phóng sự, bút ký (truyền hình) được trao cho tác phẩm: Làm đẹp những con số của nhóm tác giả Nguyễn Thị Tuyết (Minh Tuyết), Lê Thanh Tùng (Thanh Tùng), Cao Xuân Tùng (Cao Tùng), Đào Thanh Liên (Thanh Liên), Tô Quang Vinh (Quang Vinh) – Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa.
Thể loại bình luận, giao lưu, tọa đàm (truyền hình) được trao cho tác phẩm: Đối diện: Chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của nhóm tác giả Đỗ Đức Hoàng, Nguyễn Phương Mai, Vũ Đình Chung, Nguyễn Việt Cường, Lưu Hoàng Tuấn – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Thể loại phim tài liệu truyền hình được trao cho tác phẩm: Ông rũ rối của nhóm tác giả Đào Gia Thái (Gia Thái), Dương Duy Khoa (Duy Khoa), Nguyễn Việt Hưng (Việt Hưng), Phạm Mạnh Hùng (Mạnh Hùng), Nguyễn Lê Minh (Lê Minh) – Đài Phát thanh & Truyền hình Phú Thọ, Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ.
Thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (báo điện tử) được trao cho tác phẩm loạt 5 bài: Mớ bòng bong ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ "thất thủ" vì rác thải" của nhóm tác giả Phạm Trung Hiền, Phạm Thị Thanh Trà – Báo Điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
Thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo điện tử) được trao cho loạt 5 bài "Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng" của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Thị Huyên, Nguyễn Tuấn Anh, Dương Đình Trường-Chi hội Nhà báo Báo Lao Động.
Tại Giải Báo chí quốc gia năm 2019, Liên Chi hội Nhà báo TTXVN đoạt 6 Giải (1 giải A, 4 giải C, 1 giải Khuyến khích).
Theo đó, 4 giải C thuộc về các tác phẩm: Loạt 3 bài "Nhập cư trái phép là mạo hiểm đánh đổi tính mạng của nhóm tác giả: Trần Quang Vinh, Võ Tá Chuyên, Phan Đình Quân - Ban biên tập tin Trong nước và Cơ quan thường trú Nghệ An - Thanh Hóa; Loạt 3 bài "40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ước vọng xanh trên nền đá lạnh" của tác giả Đỗ Phương Bình (Đỗ Bình) - Ban biên tập tin Trong nước; Nhóm ảnh "Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên" của nhóm tác giả: Nguyễn Trí Dũng (Trí Dũng), Hoàng Thống Nhất (Thống Nhất), Bùi Lâm Khánh (Lâm Khánh), Nhan Hữu Sáng (Nhan Sáng), Nguyễn Phương Hoa (Phương Hoa) - Ban biên tập Ảnh; Loạt 5 bài "Tin giả và cuộc chiến thật" của nhóm tác giả: Ninh Hồng Nga, Lê Vũ Hội, Trần Ngọc Tú, Phạm Thị Tuyết, Phạm Thùy Hương - Báo Tin tức.
Ngoài ra, tác phẩm: "Những người lính quân y bệnh viện dã chiến tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan" của tác giả Dương Giang - Ban biên tập Ảnh đã đoạt giải Khuyến khích.
Đặc biệt, tác phẩm loạt 5 bài "Mớ bòng bong ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ "thất thủ" vì rác thải" của nhóm tác giả: Phạm Trung Hiền, Phạm Thị Thanh Trà - Báo điện tử VietnamPlus đã vinh dự đoạt giải A ở thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (báo điện tử).
Theo Ban Tổ chức, với 1.602 tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự Giải Báo chí quốc gia năm 2019, các tác giả đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm. Nhiều tác phẩm được thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tính phản biện tốt, đi đến tận cùng của vấn đề, có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan tỏa cao.
Những tác phẩm được chọn vào chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu ứng xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí. Mặt bằng chất lượng chung của các tác phẩm dự giải năm nay được đánh giá là đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Loạt bài bình luận “Tin giả và cuộc chiến thật” của báo Tin tức đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia 2019
Trong số các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia 2019, loạt bài bình luận “Tin giả và cuộc chiến thật” của báo Tin tức đã góp một tiếng nói có trọng lượng, chất lượng, mang tính dẫn dắt, định hướng cao trong cuộc chiến chống lại tin giả mà cả xã hội đang chung tay vào cuộc, có tác động nhất định tới các cơ quan chức năng, kêu gọi những giải pháp cấp thiết nhằm đấu tranh hiệu quả với vấn nạn này.
Từ tháng 4/2019, Ban Biên tập báo Tin tức đã quyết định xây dựng tuyến bài bình luận về vấn nạn tin giả, nhằm đấu tranh trực diện với thể loại thông tin này. Sự vào cuộc của báo Tin tức là rất sớm, bởi phải tới tháng 6/2019, các cơ quan thông tin khác trong hệ thống báo chí Việt Nam mới vào cuộc mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tin giả.
Loạt bài bình luận “Tin giả và cuộc chiến thật” của báo Tin tức gồm 5 bài, được kết cấu chặt chẽ, nội dung mỗi bài cụ thể, rõ ràng, đi vào những vấn đề cốt lõi nhất và hỗ trợ cho nhau. Loạt bài chỉ ra bản chất của tin giả, những nhận diện cụ thể về tin giả đồng thời đưa ra những chỉ dẫn, biện pháp để người đọc không mắc bẫy tin giả, báo chí tỉnh táo trước tin giả và góp phần giúp các cơ quan chức năng xử lý vấn nạn tin giả.
Bài đầu tiên: “Đối mặt với tin giả: Dầu loang và những vết đinh đóng”, đăng ngày 11/4/2019, phản ánh toàn diện tình trạng tràn lan của tin giả hiện nay, khiến người đọc bị bị “chìm ngập” và rất khó phân biệt thật- giả, do thiếu những nguồn để kiểm chứng; đưa ra cách cảnh giác và nhận diện tin giả.
Bài thứ hai, “Tin giả, hậu quả thật”, đăng ngày 14/4/2019, chỉ rõ những hậu quả mà tin giả có thể gây ra cho cá nhân, tổ chức và toàn xã hội như dẫn dắt dư luận theo hướng sai lệch, xuyên tạc, dàn dựng, bóp méo…; thông tin một cách tinh vi theo ý đồ cá nhân; gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Bài thứ ba “Tin giả hoành hành khắp thế giới”, đăng ngày 17/4/2019, khẳng định đây là vấn của nạn toàn cầu; mang tính cảnh báo với toàn xã hội. Đặc biệt, nhấn mạnh việc báo chí phải tỉnh táo, không bị lợi dụng lan truyền thông tin giả khi đưa lại tin giả trên mạng xã hội mà không có kiểm chứng, đồng thời cảnh báo về mức phạt nặng đối với các đối tượng tung tin giả.
Bài thứ tư “Tin giả và người đọc có trách nhiệm”, đăng ngày 20/4/2019, tập trung nhấn mạnh trách nhiệm của người đọc trong cuộc chiến chống tin giả. Bài chỉ rõ, sở dĩ tin giả hay thông tin xấu độc có môi trường để tồn tại và lây lan chính là do nhiều người đọc đã vô tình hay hữu ý tiếp tay cho vấn nạn này, đẩy nó lên thành “hot trend”; kêu gọi người đọc hãy đọc, chia sẻ thông tin có trách nhiệm, cùng chung tay vì một xã hội nhân văn, tiến bộ.
Bài cuối cùng, “Đừng để tin giả biến thành siêu bão”, đăng ngày 22/4/2019, khẳng định: Để không phải đối mặt với những hậu quả nhãn tiền do tin giả gây ra, cần phải thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt và tổng lực, bằng mọi giá, làm nghiêm và mạnh, để trả lại giá trị cho thông tin thật, để tiêu diệt bằng được cơn bão tin giả, trước khi nó biến thành “siêu bão”! Bài chốt lại đã đưa ra được nhiều ý tưởng, đề xuất giái pháp có giá trị để xử lý vấn nạn này.
PV