Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương qua các điểm cầu trực tuyến.
Năm đền ơn, đáp nghĩa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chọn chủ đề “Năm đền ơn đáp nghĩa”; phối hợp cùng các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thiết thực tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ Quốc ghi công; xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp bằng Tổ Quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ.
Một trong những thành tích nổi bật của Bộ năm vừa qua là con số kỷ lục trong việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 130.000 người, vượt gần 24% so với kế hoạch đề ra.
Với nỗ lực của toàn Ngành, cả 3 chỉ tiêu bao gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13/13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao.
Ngành đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội cho gần 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí ước tính gần 15 nghìn tỷ đồng. Trong năm, Bộ đã trình Chính phủ đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo cho các địa phương để thực hiện cứu đói, cứu đói giáp hạt, hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và huy động nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và cũng là năm đầu hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính thức tuyển sinh và hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tính đến hết năm 2017, mạng lưới 1974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đạt trên 2 triệu người. Nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh, các em học sinh đã có chuyển biến tích cực khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp.
Nhằm tăng cường năng lực phản ứng, đối phó với các vấn đề bạo lực, xâm hại, ngược đãi trẻ em, ngày 6/12/2017, Bộ đã tổ chức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có đầu số 111.
Kết quả toàn diện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, ngành Lao động, Thương binh và xã hội đã triển khai đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp, kết hợp giải quyết các vấn đề trước mắt với trung và dài hạn, đạt được những kết quả toàn diện trong năm 2017.
Điểm lại những thành tích nổi bật của ngành, Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức thành công, quy mô lớn các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thủ tướng ghi nhận việc lần đầu tiên có tới trên 130.000 người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là tại các thị trường "khó tính". Giáo dục nghề nghiệp được tổ chức lại, nhiều trường đào tạo nghề tốt xuất hiện với nhiều mô hình mới hiệu quả. An sinh xã hội được bảo đảm; giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trao đổi và đề nghị ngành khắc phục một số vấn đề còn bất cập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chất lượng, hiệu quả một số lĩnh vực tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc làm chưa ổn định, năng suất, thu nhập thấp. Tình trạng sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Giáo dục nghề nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng chưa thực sự đáp ứng, gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
Ngoài ra, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ. Quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn bất cập. Công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, vẫn còn tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật.
Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội khắc phục thực trạng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn cao. Giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo còn lớn, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng thường xuyên gặp thiên tai còn nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp; hiện tượng bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội.
“Nói và làm ngay, làm bằng được” Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Giao nhiệm vụ cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ bám sát phương châm kiến tạo, cần nhận thức rõ “cái gì Bộ cần làm, cái gì để thị trường làm”, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Coi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Bộ hiện thân của “lòng nhân văn” của đất nước, phục vụ nhân dân, từ người lao động đến người có công, những người dễ bị tổn thương, Thủ tướng đề nghị giải quyết sớm những hồ sơ tồn đọng, chờ xác minh, đẩy mạnh những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, người khó khăn.
Từ đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “nói và làm ngay, làm bằng được” với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm, càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi của người dân.
Thủ tướng đề nghị Bộ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khẩn trương xây dựng Đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7; một số vấn đề quan trọng cần sửa đổi bổ sung trong Bộ Luật lao động và sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực - chìa khóa để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; xã hội hóa mạnh mẽ các trường đào tạo nghề, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các trường dạy nghề. Cần chuyển mạnh từ "cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề". Hoàn thiện chính sách, chương trình đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho nông dân, cho người dân vùng khó khăn, đối tượng chính sách. Khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở công lập.
Đối với công tác xuất khẩu lao động, Thủ tướng lưu ý đến việc đảm bảo uy tín của người Việt Nam ở nước ngoài; phát triển thị trường lao động ở các nước có trình độ công nghệ cao.
Đổi mới chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hỗ trợ để người dân tự thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn; tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng đề nghị nâng dần tỷ lệ bao phủ BHXH, duy trì bền vững quỹ BHXH, bảo đảm tuân thủ việc đóng BHXH ở các doanh nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về giới, bảo đảm sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các vấn đề kinh tế - xã hội và gia đình.
Thủ tướng chỉ đạo Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đề cập đến sự xuất hiện và lan tỏa nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải tập trung phát triển nguồn nhân lực; đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin; thay đổi tư duy hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó là nghiên cứu dự báo yêu cầu ngành nghề trung, dài hạn hiện đang là khâu yếu hiện nay.
Chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất, toàn ngành cần tập trung chăm lo chu đáo để mọi người dân, nhất là người có công, người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng thiên tai, người lao động ở các khu công nghiệp đều có Tết.