Tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hợp tác sâu rộng trong khu vực ASEAN, các quốc gia đã có nhiều cố gắng chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, nhưng người DTTS vẫn đang là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong các vấn đề lao động, cơ hội tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì cũng có nhiều cơ hội việc làm cho người DTTS.

Nhu cầu phát triển

Từ bản làng vùng đồng bào DTTS của Việt Nam đến tham dự Hội thảo Khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc với chủ đề “Phát triển hài hòa giữa văn hóa, môi trường và kinh tế vùng miền núi và DTTS” do Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức mới đây tại tỉnh Thái Nguyên, chị Bàn Thị Thách (Yên Bái) mong muốn nhất là tìm kiếm cơ hội về việc làm. 

“Ở địa phương tôi, nhiều sinh viên DTTS ra trường không có việc làm và phải làm những việc trái với ngành nghề của mình. Đối với những người DTTS như chúng tôi thì cơ hội việc làm thông qua những dự án, chính sách nhiều khi không phù hợp với thực tế vì đòi hỏi khả năng, trình độ cao, nhưng đồng bào DTTS nhận biết và khả năng hạn chế rất khó có cơ hội. Tham gia hội thảo này tôi mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi có thể tìm kiếm việc làm”, chị Thách chia sẻ. 

Các đại biểu bắt tay thể hiện sự đoàn kết, hợp tác nhất trí vì sự phát triển về lĩnh vực công tác dân tộc trong khu vực ASEAN.

Còn bà Lê Thị Lưu, thôn Trại A, xã Côn Minh, huyện Na Rì, Bắc Kạn cho rằng, trong việc tạo việc làm, phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ, mong được tham vấn về sở thích và nhu cầu phát triển kinh tế của hộ gia đình. Cũng theo bà Lưu, được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, nhiều phụ nữ DTTS ở địa phương đã được nâng cao vai trò, tiếng nói trong xã hội; được tạo cơ hội về việc làm, phát triển kinh tế. 

Theo Ủy ban Dân tộc, cộng đồng ASEAN nói chung, cộng đồng các nhóm DTTS nói riêng đang đứng trước thời cơ, vận hội mới về kết nối, hợp tác khu vực, nhằm phát triển bền vững và hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái ở vùng DTTS và miền núi.

Để mang lại những lợi ích, hạn chế những tác động bất lợi đối với vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh kinh tế - tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng những chính sách hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết kinh tế và liên kết thị trường vùng dân tộc thiểu số với thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế, hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt; nỗ lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Cũng như Việt Nam, các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nhóm DTTS.

uy vậy, hiện nay nhóm DTTS của các nước trong khu vực vẫn đang là nhóm yếu thế nhất. Thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo... vẫn đang là thách thức lớn của vùng DTTS và miền núi. Từ thực tế trên, việc chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước, kết nối, hợp tác cùng hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là rất cần thiết. Với mong muốn không ngừng nâng cao đời sống của các nhóm người DTTS tiến tới bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Từ đó, mối quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm trên sẽ củng cố, đánh dấu một bước phát triển mới thực chất hơn về hợp tác trong lĩnh vực công tác dân tộc của các nước trong khu vực. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của các bạn trẻ tỉnh Sơn La và góp ý về cách lựa chọn bao bì đóng gói sản phẩm cần thể hiện được sự đặc trưng của dân tộc vùng cao.

Cùng chia sẻ kinh nghiệm 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Elawat Chandraprasert, Cố vấn trưởng Cục Phúc lợi và Phát triển Xã hội Vương quốc Thái Lan cho biết: “Tại Thái Lan hiện nay, chúng tôi đang cố gắng giới thiệu cho người dân trồng trọt nhiều vụ mùa như làm cà phê, trà ở khu vực cao nguyên. Và chúng tôi có thể yêu cầu họ phải chăm lo cho đất đai ở đó sao cho thật màu mỡ và họ có điều kiện phát triển kinh tế, sống được từ rừng. Chúng tôi cũng có các chính sách cho người DTTS về y tế, phúc lợi, và đảm bảo họ được hưởng các quyền lợi bình đẳng”. 

Tạo cơ hội để đồng bào có việc làm, nâng cao chất lượng đời sống.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia chia sẻ kinh nghiệm của đất nước Campuchia: Hiện nay, Chính phủ Campuchia ưu tiên đầu tư nước ngoài để xây dựng các nhà máy, tạo việc làm cho nhân dân tại nước Campuchia. Chính phủ đang xây những cơ sở hạ tầng tại khu vực miền núi, để các công ty xuống đó và lập nhà máy, như vậy thì người dân địa phương sẽ dễ kiếm được việc làm ngay tại địa phương của mình.

Chính phủ cũng đang khuyến khích nhà đầu tư ở nước ngoài tạo các nhà máy hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng, liên quan đến tạo việc làm cho người dân ở miền núi. Như vậy, rất nhiều vấn đề về những thách thức cũng như cơ hội việc làm của đồng bào DTTS trong khu vực ASAN được đặt ra. Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến hợp tác trong khu vực ASEAN đễ hỗ trợ người DTTS trong vấn đề lao động, việc làm sẽ là một trong những bước đi hiệu quả của tiến trình hội nhập khu vực, vì sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến: 

Nâng cao năng lực cho đồng bào

Tạo việc làm cho người DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong 2 chương trình mục tiêu của quốc gia: chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững đều có những hợp phần tạo điều kiện để đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người DTTS. 


Đáng kể nhất là trong chương trình giảm nghèo bền vững, Ủy ban Dân tộc được chủ trì Chương trình 135, trong đó có một hợp phần được thiết kế là nâng cao năng lực cộng đồng và tạo việc làm cho người DTTS. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nghiên cứu cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và ban hành chính sách dạy nghề cho con em đồng bào DTTS, để họ có cơ hội, có việc làm ở trong nước và có thể tạo điều kiện để họ xuất khẩu lao động đi nước ngoài để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. 


Bà Naw Ei Ei Min, đại diện tổ chức POINT tại Myanmar: 

Lắng nghe người dân 

Một thay đổi lớn của Myanmar đó là bổ sung quyền tiếp cận, sử dụng đất đai của người DTTS vào chính sách sử dụng đất đai của nước này. Trong đó, chú ý tới các nhóm nông hộ nhỏ hoặc phụ nữ người DTTS. Quá trình xây dựng chính sách, Myanmar thường xuyên tổ chức tham vấn cộng đồng, xem đây là diễn đàn để người dân đóng góp vào quá trình thay đổi về sử dụng tài nguyên đất. Ngoài những chính sách chung, mỗi khi có công việc liên quan hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chúng tôi đều chủ động tham vấn, xin ý kiến người dân sống ở đó, để xây dựng kế hoạch hiệu quả và hợp lòng dân. 


Bà Grace Balawag, đại diện Chương trình UN RED khu vực Thái Bình Dương: 

Chú ý nguyên tắc đồng thuận 

Philippines đặc biệt chú ý đến nguyên tắc đồng thuận và tương tác trong vấn đề bảo vệ và tiếp cận đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Để bảo vệ người DTTS, Philippines sẵn sàng tìm mọi cách để người DTTS nói ra những vấn đề xảy ra đối với họ; tự tin đưa ra những vấn đề liên quan đến họ. Đây sẽ là cơ sở để các ban, ngành lập quy hoạch, đánh giá và triển khai thực hiện.




Bài và ảnh: Trọng Thủy/Báo Tin tức
Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN