Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng trên 3.000 đại biểu đại diện cho trên 32.000 học sinh miền Nam.
Tháng 5/1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu, nơi rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này đã trưởng thành. Các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.
Từ thành công của mô hình giáo dục đào tạo này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, cho cả nước. Để nuôi dạy học sinh miền Nam, Đảng và Chính phủ đã cho lập các trường học sinh miền Nam. Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa, có cả trường cho con em đồng bào các dân tộc miền núi… Đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương. Có thể nói, trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, lại phải tập trung dồn toàn bộ nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thì những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó đều ưu tiên dành cho học sinh miền Nam.
Nhiều thế hệ học sinh miền Nam vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân như các anh hùng Nguyễn Kim Vang, Hải Quân, Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong… Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của học sinh miền Nam tuyệt đối trung thành, xả thân, ân nghĩa, tài hoa.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ học sinh miền Nam đi trước, học sinh miền Nam lớp sau đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, được Đảng tin yêu, được nhân dân tín nhiệm. Hàng chục đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ cương vị chủ chốt của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, nhiều đồng chí là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng. Đặc biệt, ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, nhiều “hạt giống đỏ” đã khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước.
Chia sẻ trong diễn văn kỷ niệm, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Du Phong, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Trong 21 năm từ 1954-1975, đã có trên 32 nghìn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc nuôi dưỡng và dạy dỗ. Tổng số 28 trường học sinh miền Nam đã được thành lập trong giai đoạn này, trong đó, có một trường dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và một trường dành cho con em người Việt gốc Hoa. Đảng, Chính phủ và Bác Hồ cùng nhân dân miền Bắc đã tạo điều kiện tốt nhất về ăn, ở, học tập, sự cưu mang, đùm bọc chân thành nhất cho các thế hệ học sinh miền Nam. Nhờ đó, các thế hệ học sinh miền Nam đều khôn lớn, trưởng thành và đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cho sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đặc biệt là cho công cuộc xây dựng lại miền Nam sau ngày được giải phóng.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được gặp lại các thầy cô, những cán bộ, các anh chị và bạn bè một thời quây quần, gắn bó bên nhau dưới mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, đội ngũ học sinh miền Nam phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định: Các thế hệ học sinh miền Nam tự hào là lớp người đã góp phần thực hiện xuất sắc, nghiêm túc di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Các thế hệ học sinh miền Nam từ tuổi thơ cho đến ngày nay, dù ở bất cứ cương vị nào, dù ở nơi đâu cũng luôn dành trọn niềm tin với Đảng, với Tổ quốc, ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ và khắc sâu trong lòng những tình cảm ân tình, sự hy sinh, nhường cơm sẻ áo của nhân dân miền Bắc.
Chia sẻ về mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục và đào tạo cách mạng nước ta. Đó là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành. Các trường đã thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, từ tình thương yêu của người thầy, xây dựng nên tình thầy trò sâu nặng, nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta không thể đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy học sinh miền Nam cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những bước trưởng thành vượt bậc và hiện nay cùng với cải cách sách giáo khoa, cần phải tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên. Chính những phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực chuyên môn và lối sống của người thầy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự hình thành nhân cách, lối sống của học sinh.
Thủ tướng đề nghị: Ngành Giáo dục phải đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thạo việc, có năng lực điều hành, có tâm trong sáng, đi sát thực tế, lắng nghe đồng nghiệp và nhân dân. Đặc biệt có hình thức đào tạo sáng tạo, phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận ở các cấp, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam. Chú trọng hơn công tác thanh tra giáo dục, nhanh chóng khắc phục, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực đang gây bức xúc trong xã hội như lạm thu, gian lận trong thi cử, bằng cấp giả, chạy học hàm, học vị…
Thủ tướng tin tưởng: "Dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải quyết tâm dạy tốt, học tốt bởi đây là một nghề cao quý như Bác Hồ đã dạy. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cả hệ thống chính trị và nhân dân đang chung sức, đồng lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người".