Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về chống sạt lở

Chiều 9/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sạt lở đất. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn biến rất phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (bờ sông 26 vị trí, tổng chiều dài 65km; bờ biển 16 vị trí, tổng chiều dài 84 km) cần xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng số kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương kiến nghị hỗ trợ kinh phí để các địa phương tập trung xử lý tại những vị trí sạt lở trọng điểm cấp bách, đảm bảo ổn định trước mắt và lâu dài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng Đề án "Điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở cấp bách bảo vệ bờ sông, bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long" để có giải pháp căn cơ, tổng thể đảm bảo an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng trong khu vực ven sông, kênh rạch, đồng thời hạn chế xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ 300 ha/năm.

Khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng, với trên 20 triệu dân sinh sống, Thủ tướng cho rằng đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Do đó, việc tập trung các nguồn lực để xử lý một bước tình hình biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết và cần sớm được xử lý để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cho ý kiến về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, đã bố trí kế hoạch vốn trung hạn, để xử lý trước hết 17/42 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Còn lại 25 điểm đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ theo cơ chế phòng chống thiên tai.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng yêu cầu các bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, thuận thiên trong xử lý vấn đề, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, “không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết”.

Bên cạnh xử lý kè, đặc biệt là đê mềm tại các điểm sạt lở, các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát sỏi các dòng sông, không quy hoạch, cấp phép quá mức.

Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt, nghiên cứu làm phong điện để đất bồi đắp. 

Phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, với các nước trong khu vực trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô.


Thủ tướng quyết định bố trí bổ sung một khoản từ dự phòng ngân sách hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long làm các công trình cấp bách, quan trọng cũng như bố trí một khoản từ nguồn ODA để lập quỹ chống biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tìm các nguồn lực khác bổ sung vào quỹ này. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, đề xuất hỗ trợ cụ thể, chính xác cho từng địa phương để gửi các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến. Bộ Tài chính chủ trì việc tổng hợp, đề xuất hỗ trợ kinh phí này để trình Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 15/5.

Vai trò chủ đầu tư được giao cho địa phương, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng với tinh thần làm sao không để thất thoát, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra.

Thủ tướng nêu rõ, khi triển khai, phải tiến hành nghiên cứu cơ bản,  phải có biện pháp tổng hợp chứ không phải chỉ có kè cứng là duy nhất. Bên cạnh đó, cần tiến hành xã hội hóa nguồn lực, nhất là làm đê mềm để mở rộng đất đai, mặt nước, ngăn mặn, chống sạt lở kết hợp phát triển kinh tế.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan hàng quý báo cáo Thủ tướng, trong đó nêu rõ những việc đã làm được, khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể.

TTXVN/Báo Tin tức
Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở ở xã Hố Nai 3, Đồng Nai
Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở ở xã Hố Nai 3, Đồng Nai

Từ giữa năm 2017, tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra, gây nguy hiểm nhiều nhà dân tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN