Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Trường Đại học Waikato. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. |
Được thành lập từ năm 1964, nằm tại thành phố Hamilton, phía Bắc New Zealand, Đại học Waikato cũng là cơ sở giáo dục bậc đại học thuộc nhóm tinh hoa của 1% các trường về quản trị kinh doanh hàng đầu trên thế giới và được chứng nhận bởi 3 tổ chức chứng nhận quốc tế AACSB, AQUIS và AMBA; đạt chuẩn 5 sao của QS Stars dựa vào tỷ lệ có việc làm cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc tế, chất lượng giảng dạy xuất sắc và mức độ hài lòng cao của sinh viên.
Những chuyên ngành đào tạo có ưu thế của Waikato là: quản lý khách sạn và du lịch (xếp hạng 24), giáo dục (trong nhóm thứ hạng 51/1000), khoa học máy tính và hệ thống thông tin, an ninh mạng, khoa học hình sự, môi trường, kinh tế và kinh tế lượng, kế toán và tài chính, quản lý và quản trị kinh doanh, luật, địa lý, xã hội học, văn học và ngôn ngữ Anh, nghệ thuật và thiết kế.
Trường có hơn 12.000 sinh viên theo học tại trường, trong đó có khoảng 2.000 sinh viên quốc tế đến từ 70 nước. Hiện có 40 sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường, tập trung chủ yếu vào các ngành kinh tế, giáo dục và 26 nghiên cứu sinh (bậc Tiến sĩ).
Đại học Waikato có Trung tâm nghiên cứu về Chính sách cho ngành cảnh sát New Zealand, Viện nghiên cứu và khoa học môi trường và Vodafone New Zealand và có văn phòng đại diện khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Đại học Waikato có Thỏa thuận hợp tác về đào tạo: Thạc sĩ, Tiến sĩ với Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo; ngắn và dài hạn với Học viện An ninh Nhân dân - Bộ Công an và Đại học Luật Hà Nội. Hiện trường đang triển khai đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ cấp tỉnh theo Đề án 165; đào tạo cán bộ cho ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (45 cán bộ trong năm 2017); đào tạo Hiệu trưởng và giáo viên nguồn cho Hệ thống giáo dục Vinschool trực thuộc Tập đoàn Vingroup.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. |
Vui mừng đến thăm, dự lễ đón theo phong tục truyền thống Maori của thầy và trò Đại học Waikato, nói chuyện với các sinh viên nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến danh tiếng của Đại học Waikato – nơi nhiều nhà lãnh đạo của New Zealand từng theo học, trong đó có Thủ tướng Jacinda Adern... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là niềm tự hào và là phần thưởng xứng đáng cho toàn thể cán bộ, giảng viên của trường – những người luôn nỗ lực cống hiến cho phương châm của Đại học Waikato, thực sự là một ngôi trường tuyệt vời vì con người, giàu tính nhân văn.
Đề cập đến lịch sử mối quan hệ hai nước Việt Nam – New Zealand, từ khi chính thức đặt quan hệ ngoại giao năm 1975, Thủ tướng cho biết, mối quan hệ hai nước đã phát triển tích cực, tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giáo dục. Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, cả hai nước đều là thành viên tích cực thúc đẩy đàm phán CPTPP, đây là Hiệp định thương mại tự do cân bằng lợi ích quy mô lớn hàng đầu khu vực. Hai bên cùng chia sẻ nhiều quan điểm về tình hình khu vực, trong đó có vấn đề tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở trên Biển Đông.
Thủ tướng cho biết hiện có trên 3000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại New Zealand, đứng thứ 9 trong số các quốc gia có sinh viên Việt Nam; cùng với cộng đồng người Việt Nam tại đây, tạo nên cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị hai nước.
Nhấn mạnh đến kết quả cuộc hội đàm với bà Thủ tướng Jacinda Adern, Thủ tướng cho biết, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – New Zealand, sớm nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược với hợp tác giáo dục là một trụ cột quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giới thiệu với các sinh viên Đại học Waikato về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam - từ một nước nghèo và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển và từ 2010 Việt Nam đã thuộc Nhóm nước có thu nhập trung bình.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng nông thủy sản. “Rất có thể cốc cà phê các bạn đang uống hàng ngày có nguồn gốc từ những hạt cà phê trồng trên vùng cao nguyên đất đỏ của Việt Nam; nhiều quả xoài, thanh long, chôm chôm, vải mà các bạn nhìn thấy trên kệ bán hàng của siêu thị tại đây là những đặc sản nhiệt đới của Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chia sẻ với các sinh viên Đại học Waikato, những người tràn đầy nhiệt huyết không chỉ mong muốn cống hiến sức trẻ cho đất nước New Zealand tươi đẹp mà còn đang ấp ủ những mơ ước, hoài bão, được tham gia tiếng nói, đóng góp sức lực cùng với các bạn trẻ trên toàn thế giới trong việc giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng cho rằng để thực hiện trọn vẹn ước mơ, hoài bão đó, điều quan trọng đầu tiên là các bạn sinh viên phải học tập tốt, không những chỉ học trên giảng đường mà cần nghiên cứu, quan sát bồi dưỡng nhận thức, thế giới quan về những xu hướng, những thách thức và diễn biến trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Á.
Tại buổi giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn, các bạn sinh viên Đại học Waikato sẽ đến với Việt Nam, một quốc gia giàu bản sắc văn hóa, có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm để cảm nhận được nét đẹp riêng của một quốc gia có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo trong suốt chiều dài lịch sử.
Thủ tướng khẳng định là một đất nước có hơn 40% dân số trong độ tuổi thanh thiếu niên với nhiều ước mơ, hoài bão, ý chí, sáng tạo khởi nghiệp vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai. Chính vì vậy, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác phát triển lĩnh vực giáo dục để có cơ hội giao lưu, học hỏi các mô hình đào tạo mang tính nghiên cứu ứng dụng cao giống như Đại học Waikato để từ đó giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực tế cho thấy việc hợp tác đào tạo đại học và sau đại học giữa Đại học Waikato với Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều cán bộ Việt Nam đã và đang tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, được tiếp cận với phương pháp mới, tư duy mới giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.