Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đã nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương “không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Năm 2019, Chính phủ xác định thực hiện phương châm phát triển với 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao kỷ lục trong 10 năm, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.
Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, chưa có thời điểm nào Việt Nam chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018. Trong năm 2018, Việt Nam đã vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục và nợ xấu giảm rất sâu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, có được kết quả trên là do Chính phủ đã thống nhất phương châm gồm 10 chữ: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả” với quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đó là công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động, trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời; việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cùng với đó, sự phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các Bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài; chưa chú trọng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động của chính sách. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn và thiếu chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh.
“Chính phủ cho rằng những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đanh giá.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị này, cùng với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016 - 2021.