Thủ tướng: Phấn đấu đến năm 2019- 2020, tỉnh Hà Nam sẽ tự cân đối được ngân sách

Chiều 19/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã báo cáo với Thủ tướng về kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2017, quý I năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam.

Theo đó, kinh tế năm 2017 và quý I năm 2018 của tỉnh Hà Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 32.363,5 tỷ đồng, tăng 10,84%; thu cân đối ngân sách đạt 6.259 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016, vượt 24% dự toán năm; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.024 triệu USD, tăng 61,9% so với năm 2016.

Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 89,4% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp giảm còn 10,6%. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đến nay, Hà Nam có 78/98 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh Hà Nam cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm giúp đỡ tỉnh một số vấn đề: Về cơ chế, chính sách liên quan đến các dự án tập trung, tích tụ đất đai; Tăng chỉ tiêu biên chế, sự nghiệp y tế làm việc tại các trạm y tế cấp xã, đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ các dự án có tính chất đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh..

Hàng năm, tỉnh Hà Nam phải chịu khoảng 10-12 đợt ô nhiễm môi trường diễn ra trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá cao những kết quả trong công tác phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đạt được. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả…

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn để thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương; phấn đấu đến năm 2019- 2020, tỉnh Hà Nam sẽ tự cân đối được ngân sách. Thủ tướng mong muốn Hà Nam phát huy lợi thế là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa, nông thôn mới một cách căn bản.

Trước mắt tỉnh cần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Hà Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính công, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư; tiếp tục tuyên truyền thí điểm các mô hình tích tụ ruộng đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh các đề án về chăn nuôi bò sữa.

Cùng với việc quan tâm đến phát triển nông nghiệp, Hà Nam cũng cần quan tâm đến phát triển các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là quan tâm đến đời sống công nhân, thông qua việc quy hoạch quỹ đất và kêu gọi đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn thông qua các hình thức huy động phù hợp.

Riêng đối với các thiết chế công đoàn cho công nhân, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần quan tâm giải quyết các thủ tục liên quan để sớm đưa thiết chế vào hoạt động. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hà Nam không phát triển thêm các nhà máy xi măng trên địa bàn.

Đối với các kiến nghị của tỉnh Hà Nam về việc các bệnh viện của Trung ương đóng trên địa bàn kéo dài xây việc xây dựng; về các cơ chế, chính sách, vấn đề môi trường, Thủ tướng ghi nhận và đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết và có báo cáo với Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng văn II. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trước buổi làm việc, Thủ tướng kiểm tra việc triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam; trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của khu thiết chế. Thủ tướng thăm khu nhà trọ công nhân tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên. Tại đây, Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi, động viên về việc làm, thu nhập, đời sống và tặng quà gia đình công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Đồng Văn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nhân dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tháng 5/2018, các hạng mục đầu tiên của dự án đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam động thổ thi công xây dựng, khởi động cho chuỗi 50 dự án thiết chế của Công đoàn tại các địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồng thời từ nay đến năm 2020.

Tỉnh Hà Nam đã bố trí quỹ đất sạch trên diện tích 4,5ha tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Nam (cách khu công nghiệp Đồng Văn II khoảng 1km), bố trí ngay nguồn vốn, tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, san nền đến cốt quy hoạch và đầu tư kết nối đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới chân hàng rào dự án bàn giao đất sạch cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu nhà trọ của công nhân tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong tổng số 976 căn hộ tại thiết chế Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dành 208 căn có diện tích 30m2 (tương đương với 21% tổng số căn hộ) để cho đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp thuê với giá cho thuê từ 250 ngàn đồng/người/tháng; dành 7 căn còn lại (tương đương với 79% tổng số căn hộ) có diện tích từ 30m2 và 45m2 để bán cho đoàn viên công đoàn là công nhân và người lao động với giá chỉ từ 150 triệu/căn đến 350 triệu/căn tùy theo diện tích, vị trí tầng cao của căn hộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm căn nhà mẫu của công nhân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Khi hoàn thành toàn bộ, dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp. Theo tiến độ dự kiến, quý I/2019 sẽ thực hiện các hoạt động mua bán nhà ở thiết chế công đoàn và hết quý IV/2019 những căn nhà đầu tiên sẽ được bàn giao cho công nhân, người lao động.

Đồng thời, các công trình nhà thi đấu đa năng quy mô 500 chỗ; quảng trường với sức chứa 5.000 người; siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu sân thể thao, công viên vui chơi giải trí, trụ sở công đoàn khu công nghiệp hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của công nhân, người lao động tại khu công nghiệp Đồng Văn II, hạn chế được tình trạng nhảy việc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Chùa Đọi Sơn, Hà Nam được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Chùa Đọi Sơn, Hà Nam được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 3/5, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN