Với chủ đề “Kết nối – Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu”, Diễn đàn có sự tham dự của hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục.
Song hành với các hoạt động của ASEM kể từ năm 2005, trụ cột kinh tế AEBF đã thực sự đóng góp tiếng nói của mình tới các chính trị gia, lãnh đạo trong khu vực ASEM, thực hiện mục tiêu thúc đẩy quan hệ giữa các doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời tạo ra mạng lưới liên kết cộng đồng doanh nghiệp hai khu vực, thắt chặt mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác Á-Âu.
Trong phát biểu chào mừng các Lãnh đạo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu Pierre Gattaz đánh giá cao vai trò chỉ đạo và sự quan tâm của các nhà Lãnh đạo thành viên ASEM trong thúc đẩy kết nối, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp Á-Âu tham gia ngày càng hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thế giới đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Năm 2017, GDP toàn cầu tăng 3,2%, cao nhất từ năm 2011 đến nay; năm 2018 dự báo tăng 3,8%. Toàn cầu hóa thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và đẩy mạnh làn sóng các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phân tích rằng dòng chuyển động toàn cầu đặt ra nhiều thách thức bởi phục hồi kinh tế toàn cầu chưa bền vững, còn những rủi ro, chao đảo khó lường; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại, nợ công toàn cầu; năng lực quản trị ở cấp độ toàn cầu và quốc gia chậm thích ứng trước những thay đổi nhanh của kinh tế và khoa học công nghệ; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khoảng cách giàu nghèo... ngày càng nghiêm trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong bức tranh chung đó, châu Á và châu Âu nổi lên là hai điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Châu Á tiếp tục là động lực chính và đóng góp tới 6,2% tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dẫn đầu với GDP tăng 6,6% năm 2017. Châu Á là một trung tâm kết nối toàn cầu, trong đó ASEAN, ngay từ 2011 đã triển khai “Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN”, với 3 nội hàm chính là kết nối hạ tầng, kết nối thể chế và kết nối con người.
Châu Á cũng là địa bàn trọng điểm của liên kết kinh tế với trên 150 FTA, chiếm khoảng 60% tổng số FTA trên thế giới. Vùng biển châu Á là nơi có tuyến hàng hải quốc tế lưu chuyển khối lượng hàng hóa hàng năm trị giá khoảng 5.000 tỷ USD; trong đó phần lớn là hàng hóa của kết nối, giao thương Á - Âu.
Trong khi đó, châu Âu có nền văn minh lâu đời, một nền kinh tế, khoa học kỹ thuật hùng mạnh và là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới; kinh tế đang phục hồi vững chắc, năm 2017 đạt tăng trưởng 2,4%, mức kỷ lục trong 10 năm qua. Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngay tại phiên họp tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định có tiêu chuẩn cao, cân bằng lợi ích, và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hoàn thành phê chuẩn đầu tiên. Thủ tướng nhấn mạnh: “Niềm vui nối tiếp tin vui, ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định EVFTA. Đây là bước tiến quan trọng để hai bên có thể sớm ký kết trong cuối năm 2018 và phê chuẩn trong nửa đầu năm 2019”..
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, hợp tác và kết nối ASEM không chỉ hiện hữu với các thành viên mà còn lan tỏa trên phạm vi toàn cầu như một nhân tố đi đầu đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu, ủng hộ và truyền cảm hứng cho các mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, các doanh nghiệp; cho các thỏa thuận kinh tế quốc tế song phương và đa phương trên mọi ngành nghề và quy mô.
Từ nhận định đó, Thủ tướng cho rằng “đây chính là thời điểm chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á - Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng chung”.
Nhấn mạnh đến chủ đề “tăng cường kết nối”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ doanh nghiêp chính là nguồn động lực tạo nên tăng trưởng và hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và thịnh vượng. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động, cộng đồng doanh nghiệp Á - Âu cần chủ động, tích cực tham gia đẩy mạnh kết nối giữa hai châu lục.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tăng cường kết nối Chính phủ và doanh nghiệp. Với vai trò kiến tạo phát triển, các Chính phủ tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, ký kết các thỏa thuận quốc tế, mở đường cho các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn kết các dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh với các phương hướng, kế hoạch phát triển quốc gia, tích cực hợp tác công tư về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kết nối số, giáo dục, y tế, năng lượng, nông nghiệp, chế tạo, chế biến...
Tổ chức đối thoại định kỳ giữa Lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục Á, Âu trong các dịp Hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng về các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của hai châu lục.
Cùng với đó là cần sớm đẩy mạnh hơn hoạt động của kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng Kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục nhằm triển khai hiệu quả các định hướng hợp tác kết nối ASEM trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề nghị chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế Á - Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị doanh nghiệp cần đóng góp tích cực thúc đẩy kết nối giữa con người và con người, thông qua việc nâng cao trách nhiệm với cộng đồng xã hội về tạo việc làm, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Thông tin với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu hai châu lục về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại song phương, đa phương. Trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Tăng trưởng của Việt Nam luôn duy trì trong số những quốc gia có tốc độ cao trên thế giới, đạt bình quân trên 6% trong 20 năm qua; GDP năm 2017 tăng 6,81%; năm 2018 là gần 7%.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở Đông Nam Á có độ mở nền kinh tế lớn, hiện là đối tác thương mại tin cậy của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch thương mại đạt trên 200% GDP, năm 2017 đạt 425 tỷ USD, trong đó tổng giá trị giao dịch hàng hóa với các nước châu Âu và châu Á đạt trên 334 tỷ USD.
Với 16 FTA đã ký, đang đàm phán và sẽ triển khai trong thời gian tới, trong đó các FTA thế hệ mới quan trọng như CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường gần 60 quốc gia, đối tác lớn, là cơ hội đẩy mạnh kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tiệm cận với các tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Không chỉ phấn đấu vươn lên nhóm đầu trong ASEAN, Việt Nam còn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm với vai trò đầu tầu, động lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết trong hơn 30 năm Đổi mới và mở cửa hội nhập vừa qua, các đối tác châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết của Việt Nam. Châu Âu là nhà đầu tư FDI lớn với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2006-2017, đạt trên 50 tỷ USD năm 2017.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo khảo sát tháng 3/2018 của Eurocham tại Việt Nam, 90% doanh nghiệp châu Âu muốn tăng đầu tư vào Việt Nam, thể hiện tiềm năng hợp tác hai bên còn rất lớn. Để khơi dậy tiềm năng hợp tác này, cùng với việc triển khai Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA), việc sớm chính thức ký kết và phê chuẩn EVFTA sẽ là bước đột phá, tạo xung lực mới cho kết nối thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng như châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi.
Thủ tướng cũng tin tưởng Diễn đàn ASEM sẽ tiếp tục là cầu nối “hữu duyên” để đôi bên “năng tương ngộ” thúc đẩy kết nối sức mạnh của hai khối kinh tế Đông - Tây khổng lồ này tạo nên xung lực mạnh mẽ cho phát triển toàn cầu.