Dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của công ty sang Nhật Bản trong năm Kỷ Hợi 2019 tại đây, Thủ tướng cũng đã đưa ra một số thông điệp đối với ngành nông nghiệp dịp đầu Xuân năm mới.
Trực tiếp đến thăm Nhà máy chế biến công nghệ cao, thăm đồng ruộng và trò chuyện với bà con nông dân, công nhân của Công ty, Thủ tướng tận tình thăm hỏi đời sống, điều kiện làm việc của bà con.
Nói chuyện với Ban lãnh đạo và công nhân, người lao động của Công ty, Thủ tướng cho rằng, Đồng Giao là một mẫu hình về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, trong đó, đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty không chỉ liên kết sản xuất với hộ nông dân ở tỉnh Ninh Bình mà còn với các tỉnh, thành khác trong cả nước để có nhiều loại sản phẩm. Thủ tướng cho rằng, đây là một mô hình tích tụ ruộng đất mới, thành công, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, việc quản lý, sử dụng đất có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp nước ta không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện, quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng đưa ra một phép tính, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay cả nước khoảng 27,3 triệu ha; làm như ở Đồng Giao, tức là trên 250 triệu đồng/ha, đây vẫn chưa phải mức năng suất cao, thì chúng ta đã có gần 300 tỷ USD về giá trị sản xuất nông nghiệp. Nếu phấn đấu ở mức 500 triệu đồng/ha thì giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước khoảng 600 tỷ USD.
“Như vậy, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, đó là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước 2035 và một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa, bền vững về môi trường sống ở nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu của Chính phủ xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chính trị, kinh tế, là nền tảng quan trọng của xã hội, tác động sâu sắc đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là nội dung quan trọng của trong tiến trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào năm 2021.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, thành quả nông nghiệp năm 2018 rất đáng tự hào, xuất khẩu nhiều nông sản đứng trong tốp 15 thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu, cũng là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Nông nghiệp luôn là lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn của Việt Nam.
Vì vậy, cần phát triển nông nghiệp bền vững, khôi phục lại hệ sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam, nguồn nước, hệ sinh dưỡng, đất đai, thổ nhưỡng, đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công nghiệp chế biến sâu, công nghệ hiện đại, như Đồng Giao đã và sẽ làm trong thời gian tới.
Ngoài những kinh nghiệm truyền thống như “nước, phân, cần, giống” thì năng suất nông nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào công nghệ - khâu quyết định sự phát triển năng suất và nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam, Công ty Đồng Giao phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, công nghệ in 3D, ITC, internet vạn vật. Thủ tướng đề nghị, cần sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ này để đưa vào phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao.
Theo Thủ tướng, quy mô đầu tư vào nông nghiệp chưa bao giờ cao như những năm gần đây; "không có doanh nghiệp, không có hợp tác xã thì bất thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao ở Việt Nam”.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan có các chính sách cởi trói và thúc đẩy cho nông nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan Trung ương và tất cả các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung lãnh đạo chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn có một thị trường xuất khẩu lớn, đa dạng, để làm sao con số kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp không chỉ trên 40 tỷ USD như hiện nay.
DOVECO là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu cung cấp vật tư đầu vào, trồng trọt, thu mua nguyên liệu, chế biến, đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Công ty không những đã tập trung sản xuất nguyên liệu, sử dụng có hiệu quả diện tích đã được giao tại Ninh Bình, Gia Lai mà còn chủ động liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại 13 tỉnh, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động.