Trên con lối nhỏ dẫn đến ngôi nhà 3 gian hai chái xưa cũ, nơi Tổng Bí thư Đỗ Mười gắn bó với tuổi thơ gần một thế kỷ trước, nhiều người dân cùng làng, cùng xã và cả những vị khách phương xa đang cùng tập trung, trông ngóng. Ai nấy chung dòng cảm xúc dạt dào và tâm trạng tiếc thương người con ưu tú của quê hương Đông Mỹ Anh hùng.
Vừa lau lại bức tượng Tổng Bí thư Đỗ Mười do một nghệ sỹ điêu khắc yêu mến bác đắp tặng từ nhiều năm trước, anh Nguyễn Duy Yên, cháu ruột của Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết, cả một đời lao động, kỷ vật ông để lại tại ngôi nhà thờ nhỏ nơi quê nhà chỉ có bức tượng này và đôi hoành phi câu đối treo bên bàn thờ tổ tiên. Dù là một nhà lãnh đạo lớn của đất nước nhưng với con cháu trong nhà, ông là một người cha, người ông mẫu mực, một tấm gương sáng của sự giản dị, tận tụy và liêm khiết. Ông luôn dạy con cháu phải chăm chỉ học hành, phải có trình độ và tay nghề lao động, tự thân lập nghiệp, không nên trông chờ, ỷ lại vào ai.
Anh Nguyễn Duy Yên kể lại, năm 1971, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười đang là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngôi nhà thờ tổ tiên xuống cấp trầm trọng, anh Yên có đến gặp bác mình, xin ông giúp đỡ để gia đình được mua ngói lợp thay cho lớp lá gồi từ lâu đã dột nát. Ông liền bảo: “Dân ta còn nghèo, các cháu miền núi còn không có trường mà học, không có áo mà mặc ấm, nhà ta lợp lá gồi đã là rất tốt, cháu hãy về cắt rơm rạ mà lợp lại mái, đừng hoang phí”. Nhớ về những kỷ niệm với ông, các con cháu đều xúc động, kính trọng và tự hào.
Không giấu được nỗi buồn, ông Phạm Thận (80 tuổi), em họ của Tổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ, tuy là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng nhưng trong quan hệ với anh em, họ hàng, ông luôn giữ thái độ rất gần gũi, thân mật. Mỗi lần về quê, ông đều vào đình, chùa trong làng thắp hương trước rồi mới về nhà làm lễ tổ tiên và thăm mọi người. Ông luôn căn dặn con cháu, nhắc nhở người dân quê hương phải phấn đấu học hành, làm ăn, phát triển kinh tế sao cho xứng đáng với người con của mảnh đất Anh hùng.
Phong cách sống giản dị của Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân xã Đông Mỹ. Khi nghe tin ông từ trần, bà con làng xóm đều thương tiếc, đau buồn. Nhiều người tạm gác lại công việc để đến ngôi nhà nhỏ của ông ngóng trông.
Bà Lê Thị Bé (76 tuổi) ở thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì bày tỏ: “Hay tin cụ mất, chúng tôi rất buồn. Là một người tham gia cách mạng từ sớm, cụ luôn sống giản dị, gần gũi. Mặc dù không được gặp cụ nhiều nhưng qua những gì tôi biết và nghe được, tôi rất kính trọng cụ. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng học tập tấm gương cụ và giáo dục con cháu tự rèn luyện bản thân cho tốt, không sống xa hoa, lãng phí. Đến nay, các cháu nhà tôi đều học tập tốt và gia nhập quân đội”.
Xã Đông Mỹ, quê hương của Tổng Bí thư Đỗ Mười là nơi thành lập Chi bộ Đông Phù, Chi bộ Đảng ngoại thành đầu tiên ở Hà Nội. Chi bộ được thành lập vào năm 1930, ban đầu có 5 đảng viên và đồng chí Đỗ Mười đã được kết nạp Đảng tại đây. Sau này, mỗi khi có dịp về thăm quê hương, ông đều dành thời gian thăm các di tích lịch sử cách mạng của địa phương. Cây đa ông trồng tại trụ sở UBND xã Đông Mỹ ngày xưa giờ đây đã thành cổ thụ, xum xuê lá cành.
Ông Lê Mạnh Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì cho hay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Mỹ hàng năm đều có dịp lên thăm, chúc Tết, chúc thọ Tổng Bí thư Đỗ Mười. Mỗi dịp như vậy, khi trò chuyện, ông luôn tìm hiểu đời sống người dân địa phương, có bao nhiêu hộ nghèo, các cháu thiếu nhi có được học hành đầy đủ hay không? Tổng Bí thư thường xuyên căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng ấm no, quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với vùng đất cách mạng, đặc biệt phải đặt nhiệm vụ giáo dục lên hàng đầu.
Cũng là một trong những người may mắn được thăm hỏi, trò chuyện với Tổng Bí thư Đỗ Mười mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bà Phạm Nguyên Nhung, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì xúc động chia sẻ, dù tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi lần về thăm quê, ông đều quan tâm động viên, chỉ đạo xã cũng như huyện giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương Anh hùng.
Bà Nhung nghẹn ngào: “Tôi vẫn còn nhớ rõ, ngày 15/5/2015, Đảng bộ xã Đông Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Chi bộ Đông Phù. Khi đó, ông đã 99 tuổi nhưng vẫn về tham dự, động viên nhân dân quê nhà. Thấy ông tuổi cao sức yếu đứng trên bục phát biểu, chúng tôi mời ông ngồi nhưng ông vẫn muốn được nói thêm vì ông bảo sợ không có dịp để được nói nữa. Ông dặn dò chúng tôi phải quan tâm giúp đỡ người dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nghe tin ông mất, tôi vô cùng xúc động. Vậy là từ nay chúng tôi không được nghe những lời dặn dò, chỉ bảo của ông nữa rồi”.
Chia sẻ cảm xúc đau buồn, tiếc thương khi hay tin Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, ông Trần Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì bày tỏ: Tổng Bí thư Đỗ Mười là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì. Ông là một tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, tinh thần rèn luyện, phấn đấu đi lên từ gian khổ, tấm lòng vì nước, vì dân. Ông luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là quan tâm đến chế độ, chính sách hỗ trợ người già, trẻ em. Thực hiện những lời căn dặn của Tổng Bí thư Đỗ Mười, năm 2017, Thanh Trì đã phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới. "Càng thương tiếc bao nhiêu, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Trì sẽ càng phấn đấu hơn nữa trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phát triển để xứng đáng với sự tin tưởng, thương yêu của Tổng Bí thư", Bí thư Huyện ủy Thanh Trì nhấn mạnh.
Giản dị và gần gũi, tư duy lớn nhưng không xa rời việc nhỏ. Suốt cả cuộc đời kiên định lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại, Tổng Bí thư Đỗ Mười – người con ưu tú của mảnh đất Đông Mỹ đã được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.