Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được tổ chức trong hai ngày 4 - 5/12, tại Hà Nội, với sự tham gia của 350 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành Hội trong cả nước.
Đại hội nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018; nhìn lại chặng đường 15 năm từ khi thành lập Hội (2004) đến nay; thảo luận, biểu quyết mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2018-2023; đồng thời, bầu Ban chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2018-2023.
Tham dự phiên Đại hội chính thức sáng 5/12 có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu của Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, vị thế, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao trong xã hội.
Những người làm công tác Hội, phần lớn tuổi cao, sức yếu nhưng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn hết sức, hết lòng với nạn nhân chất độc da cam, thể hiện sinh động tình đồng đội, nghĩa đồng bào, tạo nên hình ảnh thân thương trong lòng nhân dân.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân trong và ngoài nước cũng như thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học gây ra.
Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao hiệu quả của công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Hội cũng cần kiên trì với cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện chính sách với các nạn nhân chất độc da cam. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018, công tác phát triển tổ chức Hội đã cơ bản hoàn thành với 63/63 tỉnh, thành Hội; 610 quận/huyện, 6.551 xã/phường đã thành lập tổ chức Hội, với gần 396 nghìn hội viên. Vận động nguồn lực đạt mức 1.139 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với nhiệm kỳ II và bằng 58,86% so với tổng mức 15 năm.
Cuộc đấu tranh đòi công lý được tiến hành dưới nhiều hình thức, đã làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, làm cho chính giới lập pháp, hành pháp của Hoa Kỳ có chuyển biến bước đầu, thừa nhận trên thực tế và có những việc làm thể hiện trách nhiệm không thể trốn tránh của họ.
Trong nhiệm kỳ mới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đề ra mục tiêu, 95% cấp huyện thành lập hội, 70% cấp xã thành lập hội hoặc chi hội, phát triển trên 50 nghìn hội viên. Đồng thời, phấn đấu vận động Quỹ của toàn hội là 1.000 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa trên 1.000 căn nhà, hỗ trợ 3.000 suất học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất cho 1.000 gia đình nạn nhân; cấp xe lăn cho khoảng 80% nạn nhân có nhu cầu; 100% nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt được thăm hỏi, tặng quà trong dịp lễ, Tết.
Tại Đại hội, Ban chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 đã chính thức được bầu với 97 thành viên.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước tiếp tục được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội, nhiệm kỳ 2018-2023.