Đó là mục đích cuộc hội thảo "Rối loạn nội tiết: Bi kịch từ quá khứ kéo
dài đến tương lai" diễn ra trong hai ngày 24 - 25/5 tại Khoa Y, Đại học
Montpellier, miền Nam nước Pháp.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Hương/Pv TTXVN tại Pháp |
Phóng viên TTXVN tại Pháp cho biết, cuộc hội thảo này được coi như
hoạt động ra mắt của Hội các nhà khoa học Pháp nghiên cứu về chất độc da
cam và các chất gây rối loạn nội tiết (AFAPE), dưới sự trợ giúp của Hội
những người bạn Đà Lạt theo dấu chân của Yersin (AD@IY), Hội Các nhà
khoa học vì sự phát triển (MSH Sud), khoa Y trường Đại học Montpellier
và Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA).
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả của vũ khí hóa học
đã được sử dụng trong cuộc chiến vẫn chưa thể được giải quyết. Hàng
triệu người dân Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng nhiều căn bệnh do chất
độc da cam gây ra, do tính chất di truyền sang nhiều thế hệ đời sau.
Điểm then chốt trong cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam là vụ
kiện yêu cầu các công ty hóa học Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da
cam cho quân đội Mỹ sử dụng phải chịu trách nhiệm bồi thường các nạn
nhân và gia đình họ. Tuy nhiên cuộc đấu tranh vì công lý không chỉ dừng
lại ở đó, hàng trăm tổ chức quốc tế và hàng nghìn bạn bè khắp thế giới
tiếp tục giúp đỡ khắc phục hậu quả của chất độc da cam đối với sức khỏe
của trẻ em Việt Nam, là thế hệ thứ ba của nạn nhân trực tiếp của những
đợt rải chất độc hóa học trong chiến tranh.
Một cuộc hội thảo y khoa quốc tế do hội AD@IY tổ chức cách đây 2 năm cũng tại Montpellier đã góp phần làm rõ những căn bệnh nguy hiểm do
rối loạn nội tiết mà các nạn nhân da cam phải chịu đựng, cũng như những
bằng chứng của sự di truyền sang các thế hệ sau. Theo Giáo sư chuyên
khoa nội tiết trẻ em Charles Sultan, sự thành công của
hội thảo trên đã tập hợp các nhà sử học, nhà chính trị, các chuyên gia
về sức khỏe môi trường và các tổ chức xã hội, thành lập nên hội AFAPE
chuyên về nghiên cứu chất độc da cam và các chất gây rối loạn nội tiết.
Chủ tịch hội VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định ý nghĩa
quan trọng của hội thảo về các bệnh do chất độc da cam gây ra. Không chỉ
người Việt Nam mà các binh lính của Mỹ và các nước đồng minh đều mắc
những bệnh nguy hiểm khó chữa. Các bệnh này đa dạng và đặc biệt do có
tính di truyền từ bố mẹ sang con cái, để lại những khuyết tật nặng nề
nhất là về tâm thần. Thượng tướng khẳng định thông điệp của VAVA gửi đến
các tổ chức khoa học và nhân dân thế giới là cần đẩy mạnh nghiên cứu về
các bệnh này, để có thể hạn chế những hậu quả nặng nề cho thế hệ tương
lai.
Trong hội thảo năm nay, các nhà khoa học Pháp và Việt Nam đã thảo
luận về lịch sử các cuộc chiến tranh hóa học và những di chứng nặng nề
đe dọa tương lai của nhân loại. Các chuyên gia y tế đã tập trung làm rõ
những tác hại của rối loạn nội tiết do chất độc hóa học gây ra đối với
sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các chuyên gia pháp lý cũng đã đề cập
đến những khó khăn của việc chứng minh và thuyết phục để có được sự công
nhận ảnh hưởng của chất độc da cam qua nhiều thế hệ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch hội VAVA, đã
trình bày vấn đề biến đổi gien của nạn nhân chất độc da cam sinh ra
những người con dị dạng bẩm sinh. Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố
17 bệnh liên quan. Nhân dịp này, hội VAVA muốn tham khảo ý kiến của các
nhà khoa học Pháp. Trên cơ sở đó, hội sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam công
nhận các tiêu chí xác nhận nạn nhân chất độc da cam.